Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Quân y BĐBP tiếp tục tăng cường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các địa bàn trọng điểm

Biên phòng - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục tăng cường 40 cán bộ quân y tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đợt 2 tại các tỉnh phía Nam. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, những người thầy thuốc quân hàm xanh thần tốc bước vào “trận chiến” với tinh thần quyết tâm cao nhất, cùng chung sức đẩy lùi đại dịch.

Các cán bộ quân y BĐBP Hà Giang lên đường tăng cường cho Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP. Ảnh: Tiến Thắng

Cũng như đợt đầu tiên, đợt 2 này, việc tổ chức đăng kí, lựa chọn các y, bác sĩ đủ đức, đủ tài tham gia Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ sau 3 ngày triển khai, 40 cán bộ quân y thuộc BĐBP các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị đã có mặt tại Hà Nội.

Tất cả đều đáp ứng được các tiêu chí về sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và hơn cả là tinh thần tự nguyện, xung phong đi vào “tuyến lửa”.

Những ngày tập huấn về các kỹ năng thực hành phòng, chống dịch Covid-19, ai cũng tranh thủ tận dụng thời gian tích lũy kiến thức để sẵn sàng bước vào “trận chiến” mới.

Qua 2 đợt, BĐBP Sơn La đã cử 5 cán bộ quân y tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cho các tỉnh phía Nam. Ngoài giỏi về chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, các đồng chí đều xung phong, tình nguyện lên tuyến đầu, dù biết rằng phía trước là gian khổ, vất vả và nguy hiểm.

Theo Thượng tá, bác sĩ Lù Thị Luyến, Chủ nhiệm Quân y BĐBP Sơn La, để các đồng chí yên tâm làm nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các y, bác sĩ trước khi lên đường làm nhiệm vụ (trừ trường hợp gia đình Thiếu tá Lương Quốc Thoại ở tỉnh Thái Bình, đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể đến thăm, động viên trực tiếp). “Chúng tôi cũng hứa với các cán bộ quân y rằng, “người ở lại” sẽ làm việc bằng hai, bằng ba, luôn coi gia đình các đồng chí như gia đình của mình để mọi người yên tâm lên đường cho trận chiến “không thắng không về”, như lời Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu” - Thượng tá Lù Thị Luyến chia sẻ.

Đợt 1, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tăng cường 14 y, bác sĩ cho Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP (hiện tại, 14 y, bác sĩ này đang thực hiện nhiệm vụ tại “điểm nóng” thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Bởi vậy, để có thể tăng cường thêm 16 nhân viên quân y thực sự là nỗ lực rất lớn của cả đơn vị lẫn mỗi cá nhân.

Trong số cán bộ quân y tăng cường lần này có Đại úy, bác sĩ Phạm Văn Tân - người đã 3 lần viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch ở các tỉnh phía Nam. Đợt 1, anh được lựa chọn, đã tham gia tập huấn, nhưng trước ngày lên đường, tổ chức điều động anh trở về đơn vị thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại quê nhà. Thiết tha được cống hiến nên ngay khi biết tin, anh đã viết đơn bày tỏ nguyện vọng được cùng đồng đội vào miền Nam chống dịch.

Đợt 2 này, Đại úy Phạm Văn Tân vẫn kiên định như những lần trước, trong đơn, anh nói rõ: “Bản thân tôi nhận thấy tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Tôi làm đơn này muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho công tác phòng dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam”. Lá đơn ngắn gọn, vẻn vẹn chỉ 1 trang giấy A4 được viết bằng tay, nhưng chứa đựng rất rõ sự quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao của Đại úy Tân.

Còn Thiếu tá Trần Văn Tảo, nhân viên quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt, BĐBP Quảng Trị rất vui bởi nguyện vọng của mình lần này đã được tổ chức chấp thuận. Thiếu tá Trần Văn Tảo chia sẻ: “Tham gia Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP đều là những cán bộ tình nguyện xung phong dù biết phía trước đầy khó khăn, nguy hiểm. Được sát cánh bên những đồng đội, đồng nghiệp như thế, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự tin và đó là tiền đề để chúng tôi có thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong tâm dịch”.

Còn đối với Thiếu tá Phạm Xuân Tình, do có mẹ già thường xuyên đau ốm, 2 em ruột bị khuyết tật, nên anh được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tạo điều kiện chuyển công tác từ Đồn Biên phòng Ba Tầng về Tổ quân y, Phòng Hậu cần để có thêm thời gian chăm sóc người thân.

Thế nhưng, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 BĐBP Quảng Trị, Thiếu tá Phạm Xuân Tình vẫn viết đơn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bởi lý do: “Hiện nay, các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP Quảng Trị còn phải tăng cường cả lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ. “Pháo đài” ở biên giới lúc nào cũng cần thêm người, trong khi đó, công việc ở khối cơ quan, chúng tôi dễ bố trí, giúp đỡ nhau hơn để có thể đi tăng cường cho các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch”.

Tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, bởi vậy, việc tăng cường lực lượng quân y tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa bàn trọng điểm là rất cấp thiết. Việc thần tốc lên đường làm nhiệm vụ thể hiện ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao nhất của người lính với Tổ quốc và nhân dân.

Điều này thể hiện rất rõ qua lời tâm sự của Đại úy, bác sĩ Trần Văn Vinh, nhân viên quân y của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An hiện đang làm nhiệm vụ tại thành phố Hồ Chí Minh: “Do quân số ít, nên ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn. Qua thực tế công tác, tôi càng hiểu rõ nguy cơ về dịch Covid-19. Cuộc chiến này sẽ không chỉ có ngày một, ngày hai, bởi vậy, cứ thêm 1 người chung tay là thêm 1 cơ hội đẩy lùi dịch Covid-19”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO