Biên phòng - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió Đông trên cao nên từ 1 giờ ngày 31-10 đến 11 giờ ngày 3-11, ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, kết hợp với gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về hoa màu và tài sản của nhân dân.
Bà Hồ Thị Kịp ở thôn Ka Cú 2, xã Hồng Vân, huyện A Lưới trở về nhà sau một đêm sơ tán, tay dắt con nhỏ, nước mắt giàn giụa, bởi trước mắt bà, căn nhà mà hai vợ chồng chắt chiu dành dụm, nay bỗng chốc trở thành đống đổ nát. Bà nói trong nước mắt “Mất hết rồi chú ạ, đến cái ăn, cái mặc cũng không có, màn trời chiếu đất vậy sống làm sao! Nhưng cũng may nghe theo lời mấy chú BĐBP đi sơ tán từ chiều tối đến khoảng 2 giờ sáng thì nhà sập, không thì mất mạng rồi”.
Mặc dù trời vẫn đang mưa rất to, nhưng nhận được thông tin các gia đình trên địa bàn đơn vị quản lý bị thiệt hại, Ban chỉ huy Đồn BPCK Hồng Vân đã cử 10 cán bộ, chiến sỹ khẩn trương đến hiện trường giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Đại úy Hồ Văn Việt, Chính trị viên phó Đồn BPCK Hồng Vân trực tiếp chỉ huy lực lượng giúp dân cho biết: “Trước diễn biến khó lường của thời tiết, Ban Chỉ huy Đồn BPCK Hồng Vân đã triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão đến từng cán bộ chiến sỹ, chỉ đạo các đội địa bàn bám dân, bám địa bàn, vận động những hộ gia đình nằm trong vùng xung yếu, vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét di dời đến nơi an toàn. Nhờ sự chủ động, kiên quyết và kịp thời đó nên trên địa bàn 3 xã Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Thủy có 3 ngôi nhà bị sập và 6 nhà bị tốc mái, chưa có thiệt hại về người”.
Với tinh thần tương thân tương ái, bên cạnh việc lao động giúp dân dựng lại nhà ở tạm, Ban chỉ huy Đồn BPCK Hồng Vân đã động viên, thăm hỏi và tặng mỗi gia đình 20kg gạo để có cái ăn trong những ngày mưa gió.
Hiện nay, chính quyền huyện A Lưới đang khẩn trương triển khai công tác ứng phó với tình hình mưa lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Trước diến biến khó lường của thời tiết, UBND huyện đã có công điện chỉ đạo các lực lượng, các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác nắm tình hình diễn biến của mưa lũ. Thường xuyên kiểm tra các hồ chứa; các công trình xung yếu, công trình đang thi công để kịp thời chỉ đạo các nhà thầu có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công. Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, mưa lũ và xử lý kịp thời các tình huống".
Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện tại, huyện đã tổ chức dự trữ lương thực ở những vùng xung yếu như: tại trung tâm huyện: 25 tấn gạo, 10 tấn muối; tại UBND các xã Hồng Thủy, A Roàng, Đông Sơn, Hồng Hà, Hương Nguyễn mỗi xã 1 tấn gạo và 1.000 gói mỳ tôm; các xã còn lại (15 xã và thị trấn): 500 gói mỳ tôm.
Hồ Việt