Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Quân và dân “căng mình” chống siêu bão Noru

Biên phòng - Không gian yên ắng một cách lạ thường, không một tiếng gió lay xào xạc... Đó là khoảnh lặng đáng sợ trước khi bão Noru đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các địa phương ven biển 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh: “Phải nâng cao ý thức chủ động phòng, chống bão cho bà con”.

Người dân ở làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gia cố mái nhà để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: Văn Chương

Trở về từ khơi xa

Chiều 25/9, tôi có mặt tại làng biển Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ để chứng kiến từng đoàn tàu hối hả trở về bến. Ông Nguyễn Ảnh, người gác đài Icom cộng đồng ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu thông báo với tôi rằng:“Tối nay, đội tàu ở quần đảo Hoàng Sa sẽ về tới bến, đội tàu này phải chạy ngay lập tức khi ngư dân nghe tin có cơn bão Noru. Ai cũng có kinh nghiệm nên lập tức phán đoán bão sẽ tấn công thẳng vào Hoàng Sa trước khi ập vào đất liền”.

Đúng như dự đoán của lão ngư gác đài canh Icom, vào lúc 18 giờ 10 phút, chiếc tàu đầu tiên mang biển kiểm soát QNg90172TS đã cập bến. Các ngư dân cho biết, trong quá trình di chuyển vào bờ, bà con đã nhận được sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ Đồn Biên phòng Bình Hải, trong đó nhắc ngư dân đi thành nhóm tàu để sẵn sàng hỗ trợ nhau nếu có tàu bị hỏng máy. “Trôi là chết” - một ngư dân nói với tôi và chỉ vào hàng chục ngư dân ngồi trên tàu nở nụ cười khi mọi người đã “về tới nhà”. Các ngư dân kể rằng, trong khi chạy tránh bão, con tàu phải giữ liên lạc để nếu có sự cố là mấy tàu áp lại giúp nhau khẩn cấp.

Sau khi tàu QNg90172TS cập bến thì có rất nhiều tàu cá khác trong đội cũng cập bến cùng với tàu của ngư dân các tỉnh, thành phố: Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng… Ngư dân Bùi Văn Trúc đi trên tàu của ngư dân ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng mang số đăng ký ĐNa90938TS cho biết, tàu mới ra khơi được 2 ngày, chưa đánh bắt được gì nhưng nghe tin bão và thông tin của BĐBP kêu gọi, ngư dân lập tức quay trở về đất liền. Anh em quyết định không về quê mà chạy cắt ngang vô bờ, nơi nào gần nhất thì trú bão để sau khi bão tan thì lại tiếp tục hành nghề.

Chiều 26/9, chỉ riêng tại các âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, đã có hơn 4.000 tàu của ngư dân các tỉnh vào neo trú. Trong đêm, các tàu nối nhau vào các cảng biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam; Sa Cần, Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi; Quy Nhơn, Tam Quan, tỉnh Bình Định. Một số tàu cá khác vẫn lênh đênh trên biển, cách bờ từ 15-20 hải lý.

“Sao họ liều mạng vậy, không chịu về bến ngay?” - tôi hỏi anh Phong, một ngư dân đánh bắt xa bờ vừa vào âu neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa. Anh cười và cho biết: “Ngư dân tranh thủ đánh mực nổi trước bão rồi vào ngay. Trước khi bão vào, biển lặng, chạy từ ngoài khơi vô nhưng mặt biển láng như sông vậy, nhưng tới hôm nay (ngày 27/9) là sóng lớn lắm rồi. Tình cảnh ngư dân ráng kiếm ăn vào phút chót là như vậy”.

Câu chuyện của anh Phong đã lý giải những con số mà cơ quan chức năng cảnh báo, đến chiều 26/9, tỉnh Quảng Nam vẫn còn 87 tàu với 2.533 ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa; tỉnh Quảng Ngãi còn 94 tàu với 723 ngư dân. Theo các ngư dân, khi trên biển sắp có dông tố thì mực khơi nổi lên và nhiều ngư dân liều lĩnh quây lưới cú chót trước khi chạy nhanh về các đảo gần đó.

Chạy bão trong bờ

Ngày 27/9, trong lúc tàu thuyền trở về bờ và không khí phòng, chống bão diễn ra khẩn trương trong đất liền thì cư dân ở các làng chài trên các hòn đảo phập phồng nghe ngóng tin bão. Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Trung tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lý Sơn cùng cán bộ, chiến sĩ xuống bám dân, thực hiện kế hoạch phòng, chống bão của địa phương, kêu gọi người dân ở trên 51 lồng bè nuôi cá phải thu xếp nhanh việc kéo lồng bè vào sát bờ, sau đó rời lồng bè trở về nhà. Đối với người nông dân làm nghề trồng hành, nhiều người chỉ biết cầu trời, vì bão vào là toàn bộ hành sẽ hư hỏng mà không có cách nào để cứu vãn.

Đảo Lý Sơn hiện có nhiều nhà dân được xây dựng kiên cố, tuy nhiên, tỷ lệ nhà cấp 4 lợp mái fibro xi măng vẫn là phổ biến. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ còn tham gia cùng nhân dân ở một số khu dân cư chèn chống nhà cửa, đặt bao cát lên mái, buộc dây neo các góc mái nhà. Hình ảnh những người lính dàn quân chống bão đã “đẩy” nhanh khí thế phòng, chống siêu bão lên toàn huyện đảo. Theo kế hoạch của UBND huyện Lý Sơn, trên đảo sẽ bố trí một số điểm để người dân đến tránh trú bão và Đồn Biên phòng Lý Sơn dự kiến sẽ là nơi tránh bão của 150 người dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Châu (BĐBP Bình Định) giúp bà con trên đảo Cù Lao Xanh đưa thúng máy vào sâu trong đảo để đảm bảo an toàn. Ảnh: Duy Điệp

Tại đảo Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định, đến trưa 27/9, không khí phòng, chống bão trên đảo đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Người dân hò nhau kéo 112 thúng và thuyền nhỏ lên bờ. Cư dân ở đảo có một bộ phận chuyên đánh bắt cá gần bờ bằng các thuyền nhỏ, hoặc thúng máy, đây là loại phương tiện không thể chạy vào vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hoặc cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tránh trú bão như các tàu thuyền lớn. Để bảo vệ tài sản cho bà con, lực lượng Biên phòng, dân quân, Công an quyết định hỗ trợ người dân kéo toàn bộ thuyền, thúng vào sâu trong bờ.

Thiếu tá Tô Duy Điệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Châu nói với giọng lo lắng: “51 tàu cá đã chạy vô bờ rồi, hiện nay, đơn vị tiếp tục việc sơ tán dân tới nơi an toàn và bố trí chỗ tránh, trú bão cho bà con tại đồn Biên phòng”...

Tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, không khí trước giờ bão vào trở nên im lặng. Ngày thường, hòn đảo này tấp nập đón du khách và bóng những chiếc ca nô màu trắng chạy ngược, chạy xuôi. Khi con đường ra đảo tạm dừng thì không khí trên đảo trở nên khẩn trương với việc lo chèn chống nhà cửa.

Tại Trường Mầm non Tân Hiệp, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các cô giáo tranh thủ dọn dẹp bàn ghế vì đây là khu vực dễ bị ngập nước. Khu vực bãi ngang, nơi các tàu thuyền nhỏ thường neo đậu dự báo không còn an toàn trước cơn bão mạnh. Đến chiều 26/9, BĐBP và lực lượng vũ trang trên đảo đã giúp nhân dân kéo những chiếc thuyền nhỏ lên bờ, chằng buộc kỹ lưỡng...

Kinh nghiệm phòng, chống bão ở các tỉnh miền Trung là bão sẽ liên tục thay đổi khi áp sát bờ, vì vậy, BĐBP các tỉnh, thành phố Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị vẫn đang khẩn trương tổ chức di dời dân tìm nơi trú ẩn, đưa tàu thuyền đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố miền Trung đã chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động đón nhận, hỗ trợ mọi người dân vào tránh trú bão đến khi an toàn.

Hà Anh

Bình luận

ZALO