Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 11:10 GMT+7

Quản trị biển Việt Nam bằng công nghệ số tích hợp

Biên phòng - Quản trị biển bằng công nghệ 4.0 là xu thế chung trên thế giới và đã thể hiện được tính ưu việt phục vụ phát triển bền vững. Bắt nhịp xu thế, Đảng và Nhà nước ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển với cách quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Điều đó có nghĩa, quản trị biển bằng công nghệ hiện đại không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển kinh tế biển, quản trị tài nguyên biển một cách hiệu quả nhất.­­

Mô hình quản trị biển bằng công nghệ số thông minh.

Ứng dụng công nghệ số để quản trị biển là yêu cầu cấp thiết

Nghị quyết 36-NQ/TW đã đưa việc phát triển khoa học công nghệ số vào trong quản lý và phát triển kinh tế biển Việt Nam. Cụ thể là “đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có; đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...”. Nghị quyết đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế biển xanh, hiện đại và phát triển bền vững.

Việt Nam là quốc gia biển, nằm trên bờ Biển Đông với không gian rộng lớn: Diện tích hơn 1 triệu km2, chiều dài hơn 3.260km, 198.000km sông ngòi thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế biển. Trong đó, kinh tế hàng hải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc dân nói chung và kinh tế biển nói riêng. Cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế, sự gia tăng hàng hóa xuất, nhập khẩu, thì hàng hóa vận tải qua đường biển gia tăng mạnh với khối lượng hiện nay khoảng 250 triệu tấn và sẽ gia tăng tới 500 triệu tấn vào năm 2030.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra mục tiêu cụ thể: “Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển”.

Bên cạnh đó, nghề cá cũng đóng góp nguồn lực không nhỏ cho nền kinh tế. Với trên 40 loại nghề, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đạt sản lượng trên 2 triệu tấn/năm, xuất khẩu đạt trên 5 tỉ USD. Tuy nhiên, nền kinh tế biển Việt Nam nói chung và nghề cá nói riêng đang gặp nhiều thách thức và rủi ro do trình độ quản lý hạn chế.

Trong đó, nghề cá Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu (EC) treo “thẻ vàng” vì khai thác cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu hải sản và thiệt hại kinh tế. Tính đến hết năm 2020, gần 90% tàu cá từ 15m trở lên trong toàn quốc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, Việt Nam hiện còn có rất nhiều công trình kinh tế cố định trên biển, với hàng trăm công viên điện gió, hàng ngàn trụ điện gió trên biển sản xuất ra nhiều tỷ kWh điện, cùng với hàng chục giàn khoan, thăm dò dầu khí mang về hàng triệu tấn dầu mỗi năm. Trong khi đó, hoạt động trên Biển Đông có rất nhiều rủi ro do thiên tai như bão, gió xoáy gây nguy hiểm cho việc hải hành, đánh bắt hải sản và các hoạt động khác trên biển.

Để tăng cường mức độ an toàn của việc hải hành trên các tuyến hàng hải quốc tế và nội địa, phòng ngừa các tai nạn xảy ra trên biển, nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế trên biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức quốc tế thì việc đầu tư, thiết lập các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản trị - quản lý biển bằng công nghệ số là rất cần thiết và quan trọng.

Quản trị biển bằng công nghệ số tích hợp

Trước hết, hệ thống thông tin (HTTT) của ngành hàng hải Việt Nam đã có những bước tiến mạnh trong gần 50 năm nay. Việt Nam đã thực thi nghĩa vụ đối với Công ước An toàn sinh mạng trên biển SOLAS 74/88 của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO nhằm bảo đảm an toàn-an ninh hàng hải trên biển và đã có thiết lập HTTT cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu GMDSS phục vụ các hoạt động trên biển bao gồm: Trực canh thu điện cấp cứu, an toàn hàng hải, dự báo thời tiết, trợ giúp y tế...

Cho đến nay, HTTT của Hàng hải Việt Nam bao gồm: HTTT duyên hải với 29 đài thông tin duyên hải, 1 đài vệ tinh mặt đất Inmarsat, 1 đài thu tín hiệu báo động cấp cứu qua vệ tinh COSPAS-SARSAT và 1 trung tâm xử lý thông tin hàng hải. Hệ thống Báo động an ninh hàng hải SSAS tăng cường an ninh trên biển và hạn chế, đối phó với các hành động khủng bố, cướp biển theo Bộ luật An ninh tàu và cảng biển (ISPS code) của IMO. Trung tâm Tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam có chức năng trực canh 24/24 giờ nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến an ninh hàng hải.

Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ảnh: Bích Nguyên

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ hội nhập quốc tế, thế kỷ của đại dương, thế kỷ của công nghệ số-không dây (điện thoại di động, máy tính, internet - 4G, 5G, GPS, Wifi), công nghệ vệ tinh viễn thám, radar, glider (AUV), robotic (ROV). Các công nghệ đã thay đổi rất nhanh, kể cả truyền tin và kết nối thông tin trên biển đã tạo ra sự phát triển mới về HTTT và định vị trên biển trên toàn cầu theo hướng hiện đại, gọn nhẹ hơn.

Để chủ động thông tin giám sát các tàu thuyền Việt Nam và quốc gia khác trên Biển Đông và các vùng biển quốc tế, bằng nguồn thông tin từ các vệ tinh giám sát mặt biển, hệ thống giám sát ngầm, các trạm đo mặt cắt tự động thì Việt Nam có thể chủ động có được thêm hệ thống của riêng mình, sẽ tạo cơ hội điều hành, quản lý tàu thuyền và quản trị biển bằng công nghệ số hiệu quả hơn, chủ động hơn.

Hiện nay, trên các vùng biển Việt Nam có 130.000 tàu cá vỏ gỗ, có trang bị máy ICOM, GPS. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chính thức khởi động Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar có 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá của 28 tỉnh, thành phố ven biển; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ vệ tinh biển.

Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bình luận

ZALO