Biên phòng - Đến du lịch tại vùng biển Hải Tiến, du khách không chỉ thỏa thích tắm biển, nghỉ dưỡng, mà còn được trải nghiệm, khám phá những điểm di tích lịch sử, văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm. Trong đó, quần thể Di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang tọa lạc tại xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa với kiến trúc bề thế, rộng lớn, là điểm đến tham quan của du khách trong hành trình đến với biển Hải Tiến.
Vị Tướng công Đại vương được nhân dân tôn sùng
Đến thăm quần thể Di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang, ấn tượng đầu tiên đối với du khách là vẻ đẹp toát ra từ kiến trúc đền, các công trình phụ trợ và sự rộng lớn của quần thể di tích. Quần thể di tích tọa lạc trên diện tích hơn 10.000m2, thờ Tướng công Lê Trung Giang (thời Lê Trung Hưng), người ở thôn Đô Du, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa (xưa thuộc xã Đống Hà, tổng Ngọc Chuế), tỉnh Thanh Hóa.
Theo gia phả họ Lê, cuối thời Lê Sơ, có người con trai họ Lê Trọng, húy là Giang, thụy Quảng Xuyên, là người giỏi võ thuật, bản tính cương trực và hay giúp đỡ người nghèo khó. Dưới triều vua Lê Hoàng Đế Xuân, niên hiệu Thống Nguyên (1522 – 1527), tình hình triều chính nhà Lê nhiễu loạn bởi sự nổi dậy của Mạc Đăng Dung, xã hội rối ren, bọn cướp bóc hoành hành dân làng. Lê Trọng Giang liền triệu tập trai tráng, rèn vũ khí đánh đuổi bọn cướp, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Năm 1533, khi vua Lê Trang Tông chiêu mộ quân sĩ, Lê Trọng Giang đã đưa quân bản bộ gia nhập và trở thành chiến tướng dưới thời Lê Trung Hưng. Lê Trọng Giang làm quan trải qua 4 triều vua, cống hiến 66 năm cho triều đình nhà Lê. Khi làm quan, Lê Trọng Giang luôn coi trọng việc thiện, xây dựng nền nếp quân dân trên thuận, dưới hòa. Các vua Lê vô cùng ân sủng ông, ông được vua Lê ban tới 13 đạo sắc, ban chữ “Khải Văn Võ Đường”. Khi ông mất, được vua ban cho chữ “Trung” (từ đó, tên ông đổi thành Lê Trung Giang); được sắc phong “Khai quốc công thần, Cương nghị thành hoàng Đô Thống Linh Ứng, Hùng khẩu Tối linh Đại vương Thượng đẳng thần”. Nhớ công ơn đánh giặc, giữ yên bờ cõi, bồi đắp vùng đất biển hoang sơ thành vùng dân cư đông đúc, trù phú, nhân dân tôn sùng ông làm “thành hoàng làng Đô Du” và lập đền thờ phụng.
Lễ hội đền Lê Trung Giang được tổ chức vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm, với nhiều hoạt động phong phú như triển lãm, trưng bày cổ vật, múa trống, múa rồng, võ thuật dân tộc, biểu diễn văn nghệ...
Tướng công Đại vương Lê Trung Giang phục vụ 66 năm trong triều đình, giữ nhiều trọng trách quan trọng dưới 4 triều vua: Lê Trang Tông (1533 – 1548), Lê Trung Tông (1548 – 1556), Lê Anh Tông (1556 – 1573), Lê Thế Tông (1573 – 1599), được 7 đạo sắc phong của vua Lê Cảnh Hưng, 6 đạo sắc phong từ vua Gia Long đến vua Lê Chiêu Thống.
Từ ngôi mộ nhỏ đến quần thể di tích rộng lớn
Xưa kia, đền Lê Trung Giang vốn chỉ là một ngôi mộ nhỏ được dựng trên một vùng đất bằng phẳng và lầy lội. Hậu duệ đời sau của Tướng công Lê Trung Giang đã góp tiền, kêu gọi nhân dân quyên góp trùng tu, mở rộng đền thờ ông. Ngày nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền thờ Lê Trung Giang đã có được diện mạo bề thế, uy nghi. Hiện, ngôi mộ của Tướng công đại thần Lê Trung Giang vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể di tích.
Ngoài lăng mộ và đền thờ Tướng công Đại vương Lê Trung Giang, trong khuôn viên hơn 10.000m2 của quần thể di tích còn có cung thờ Đức thánh Tản Viên Sơn, quần thể lăng mộ 6 đời tướng phò tá 6 đời vua Lê, cung thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, cung thờ Tam tòa thánh mẫu Tứ phủ công đồng, nghinh môn - đại đường, chùa Linh Ứng và Thái miếu 26 đời vua, mộ Tiên Dung công chúa, tháp long mạch, tháp Địa linh – nhân kiệt, tháp Bảo Minh Quang Thắng, tượng các vị La Hán... Bên trong đền thờ Lê Trung Giang có rất nhiều cổ vật có giá trị, trong đó phải kể đến các bức tượng được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh xảo.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên rộng lớn nơi đây còn có rất nhiều cảnh vật ấn tượng khác như hồ bán nguyệt, vườn tượng các linh thú, khu vui chơi... Quần thể di tích là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, các chương trình văn hóa, văn nghệ của bà con địa phương.
Anh Lê Trung Kiên, hậu duệ đời thứ 16 của Tướng công Đại vương Lê Trung Giang cho biết: “Với tâm huyết và trách nhiệm của thế hệ hậu duệ, tôi đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp trùng tu, tôn tạo lăng mộ Tướng công và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Từ một nơi thờ tự nhỏ bé chỉ có mộ Tướng công, đến nay, đã hình thành một quần thể di tích rộng lớn, trở thành địa điểm tâm linh để người dân và du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh và tri ân những vị anh hùng có công với dân, với nước”.
Anh Kiên cho biết thêm: “Mộ Tướng công Đại vương Lê Trung Giang được bảo tồn trong quan, ngoài quách nguyên vẹn từ xưa đến nay. Bên trong lớp đá hoa cương là miếu đá cổ và 3 tảng đá gắn với truyền thuyết của đôi bạch xà cứ đến rằm là quấn theo ánh trăng lên trên lăng mộ Tướng công. Năm 2001, nơi đây tiến hành trùng tu do bị xuống cấp khá nhiều”.
Năm 2005, quần thể văn hóa và Di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục UNESCO Việt Nam công nhận ra quyết định bảo trợ.
Với kiến trúc bề thế, rộng lớn, quần thể Di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang trở thành niềm tự hào của người dân xã Hoằng Ngọc. Những năm gần đây, khi du lịch tại vùng biển Hải Tiến phát triển, nhiều người đến đây đã kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, quần thể văn hóa và Di tích lịch sử Tướng công Đại vương Lê Trung Giang trở thành điểm đến tâm linh được nhiều du khách lựa chọn, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với mảnh đất Thanh Hóa.
Thanh Thuận