Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Quan tâm giải quyết vấn đề nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Việt Nam

Biên phòng - Ngày 19-7, tại Đắk Lắk, Hội đồng dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban dân tộc tổ chức Hội thảo nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra.

5b514c4d4557142240000261
Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hương Lê

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề như: Đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực các DTTS Việt Nam trên các mặt thể trạng, tầm vóc, tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, lao động qua đào tạo, kỹ năng lao động, cơ hội việc làm, tham gia hệ thống chính trị, hôn nhân gia đình, đời sống, thu nhập, đói nghèo; phân tích, làm rõ nguyên nhân, hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các DTTS, đặc biệt là ở các dân tộc rất ít người, đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Đánh giá tác động của hệ thống chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực DTTS…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng: Do vùng cư trú của các DTTS tập trung ở trung du và miền núi, đời sống nhiều khó khăn nên ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, công tác đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Các đại biểu cũng cho rằng, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển vùng DTTS, nhưng vấn đề cốt lõi là phải phát huy được hiệu quả các chính sách này.

“Những chính sách, chương trình của chúng ta đặt ra cần phải xuất phát điểm từ nhu cầu thực tiễn của đồng bào tại địa phương. Nguồn lực mà Nhà nước đầu tư cho người DTTS hiện nay tương đối lớn, vấn đề là làm sao để đầu tư cho hiệu quả, sát thực và có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước”- đại biểu Triệu Văn Thịnh, giảng viên Đại học Tây Nguyên cho biết.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến DTTS và vùng DTTS, miền núi. Xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội cho vùng DTTS, miền núi giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả một số chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nguồn nhân lực DTTS như: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015; Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, trong đó ưu tiên các mục tiêu đối với người DTTS, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Việt Nam hiện có khoảng 13,4 triệu người DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước. Những năm gần đây, nguồn nhân lực DTTS tăng nhanh so với bình quân chung của cả nước. Đến nay, trình độ dân trí vùng DTTS và miền núi của cả nước đã được nâng lên đáng kể.

Hương Lê

Bình luận

ZALO