Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Quốc hội thảo luận về Luật Trồng trọt:

Quan tâm đúng mực đến miền núi, vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Chiều 23-5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Trồng trọt.

x1nm3vduqb-76364_19648160521147583807_a1
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến. Ảnh: Viết Hà

Qua thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật.

Việc ban hành Luật sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế về quản lý cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trồng trọt, xây dựng ngành trồng trọt hiện đại.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng: Luật Trồng trọt ra đời phải đáp ứng được yêu cầu tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất ra không tiêu thụ được, phải kêu gọi "giải cứu" như thời gian qua. Trong khi dự án Luật được soạn thảo chưa có tính toàn diện, quá thiên về lĩnh vực giống, phân bón, dẫn đến việc không thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển lớn mạnh.

“Dự thảo Luật có 82 điều, 52 điều quy định lĩnh vực giống, phân bón, trong khi quy định thu hoạch, mua bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu… chỉ có 5 điều. Ban soạn thảo cần có sự đầu tư nghiên cứu xây dựng các điều luật phù hợp hơn để xây dựng ngành trồng trọt phát triển hiện đại, hiệu quả theo chuổi sản xuất” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Đối với chính sách của Nhà nước trong trồng trọt, đại biểu Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung chính sách phát triển trồng trọt đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trồng trọt là lĩnh vực quan trọng với bà con miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển trồng trọt vùng này, nâng cao đời sống cho bà con. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chú trọng chính sách bảo vệ, bảo tồn giống quý hiếm. Đồng thời tăng năng lực thực hiện khảo tráng, chọn lọc giống tại chỗ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu từ phát triển nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số...

“Nhiều giống cây trồng quý ở miền núi đang bị mai một do người nông dân chạy theo năng suất. Các tỉnh biên giới phía Bắc có tình trạng, tư thương nước láng giềng thu múa sản phẩm cây trồng đặc sản theo kiểu tận diệt. Nếu không có chính sách phục hồi, phát triển sẽ làm tuyệt chủng các giống cây trồng quý hiếm, đem lại lợi ích kinh tế cao” – Đại biểu Hà Ngọc Chiến cho biết.

5b0617db22f7c7f73600087d
Đại biểu Giàng A Chu. Ảnh: Viết Hà

Còn theo đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Ban soạn thảo thiết kế các nội dung canh tác theo hướng hiện đại, ít chú ý đến canh tác nhỏ như hiện nay, nhưng trên thực tế việc trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ đang chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Miền núi canh tác trên đất dốc, nương rẫy rất lớn, nhưng dự án Luật nêu chưa đầy đủ, thiếu tính thực tế. “Đồng bào các dân tộc ở Hà Giang, Cao Bằng… vất vả gùi đất từ chân đồi lên các hốc đá để canh tác, nhưng đời sống vẫn nghèo. Quy định tại Điều 70 về canh tác chưa đáp ứng với quy mô canh tác của vùng này, không thể giúp đồng bào phát triển sản xuất. Muốn nâng cao đời sống bà con phải có chính sách hợp lý đầu tư, phát triển canh tác trên đất dốc” – Đại biểu Giàng An Chu đề nghị.

Viết Hà

Bình luận

ZALO