Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Quan tâm đến chính sách dân tộc là quan điểm xuyên suốt của Đảng từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công

Biên phòng - Trong những ngày đầu cách mạng, dù phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ; nỗ lực gây dựng những viên gạch đầu tiên của phong trào cách mạng, đoàn kết và góp sức mình vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

abst_12c
Quân y BĐBP Sơn La tích cực chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Ảnh: Viết Hà

Khẳng định vai trò của đồng bào các DTTS trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”.

Cùng với đó, Người cũng nêu rõ, để nâng cao đời sống của đồng bào, cùng với việc bãi bỏ hết “những điều hủ tệ cũ”, “bao nhiêu bất bình trước sẽ sửa chữa”, Chính phủ “sẽ gắng sức giúp cho các DTTS về mọi mặt”, mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng; chú ý trình độ học thức cho đồng bào dân tộc...

Với quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng DTTS. Đặc biệt, từ năm 1980 đến nay, nhiều chính sách dân tộc đi vào cuộc sống, diện mạo kinh tế các địa phương vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển, tạo nên những thành tựu to lớn trong thực hiện chính sách dân tộc, quyền bình đẳng của các dân tộc được đảm bảo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, các dân tộc gắn bó bên nhau, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính sách dân tộc đã ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như: Giao thông, nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, điện, thông tin liên lạc, trạm xá, các thiết chế văn hóa, y tế, trường, lớp học đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng DTTS, miền núi. Đến nay, 98% xã có đường ô tô đến trung tâm, hầu hết các xã có trạm y tế, 100% xã có điện, 94% xã có điện lưới quốc gia, 90% xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình, 100% xã có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Sản xuất vùng DTTS, miền núi phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt theo tiêu chí mới năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn khoảng 23,1%.

Sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cho các DTTS có nhiều tiến bộ, đạt thành tựu to lớn; đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở; các loại hình trường nội trú, bán trú phát triển, tạo điều kiện cho các DTTS phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đời sống văn hóa - tinh thần của đồng bào các DTTS có nhiều khởi sắc; các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Trong đó, nổi bật là việc khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức ngày hội văn hóa của các dân tộc, hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS và miền núi được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng và chất lượng dân số; đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách Bảo hiểm y tế theo quy định; mạng lưới y tế ở vùng DTTS ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống chính trị vùng DTTS được củng cố xây dựng toàn diện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên về chất lượng và số lượng. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS cơ bản ổn định. Đồng bào các DTTS đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

cjp0_12d
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng gắn bó với đồng bào dân tộc Khmer, giúp nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế. Ảnh: Viết Hà

Để thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, đảm bảo thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế, Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Tập trung vào các chính sách về quy hoạch dân cư, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, đất ở, phát triển vùng... đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành ở vùng DTTS và miền núi. Đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong vùng DTTS và miền núi đặc biệt là các vùng DTTS dễ bị thiên tai đe dọa, có các giải pháp nhằm giải quyết cơ bản, dứt điểm tình trạng di cư tự do.

Đổi mới việc quản lý đất đai và rừng trong vùng đồng bào DTTS, để đảm bảo người dân biết sản xuất và làm giàu từ rừng; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng DTTS. Đẩy mạnh việc dạy nghề và tạo việc làm phi nông nghiệp cho lao động DTTS, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vùng DTTS và miền núi... Đầu tư giúp các DTTS khắc phục những khó khăn đặc thù như: Tệ nạn nghiện hút, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vùng có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, nguy cơ mất văn hóa dân tộc, mất tiếng nói...

Đặc biệt, không ngừng đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, chăm lo bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và phát huy vai trò của người có uy tín trong các DTTS trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chăm lo sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong vùng DTTS và miền núi. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời, xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giống nòi, cản trở phát triển sản xuất... 

Viết Hà

Bình luận

ZALO