Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Quan ngại xung quanh năng lực phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc

Biên phòng - Ngày 13-5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa để đối phó tốt hơn với tất cả các mối đe dọa, bao gồm các loại tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều quan ngại về năng lực phòng thủ tên lửa của nước này sau khi Triều Tiên phóng thử hai tên lửa tầm ngắn và các vật thể bay hướng ra vùng biển Nhật Bản vào tuần trước.

tmsz_11a
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3. Ảnh: Chosun Ilbo

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết, quân đội Hàn Quốc đã phát triển năng lực phòng thủ tên lửa đặc thù, tập trung vào hệ thống Patriot nhằm chống lại các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bà Choi Hyun-soo nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa nhằm chống lại các mối đe dọa từ mọi hướng một cách hiệu quả. Hàn Quốc đã lên kế hoạch nền tảng để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo đó, Hàn Quốc đã phát triển và vận hành hệ thống đối phó với hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Hệ thống phòng thủ “ba trục biện pháp” của Hàn Quốc bao gồm: Kế hoạch trừng phạt và đáp trả quy mô lớn (KMPR); Kế hoạch triển khai nhằm vô hiệu hóa các quyền chỉ huy của lãnh đạo Triều Tiên nếu xảy ra các cuộc xung đột quy mô lớn; Hệ thống tấn công phủ đầu (Kill Chain); Hệ thống phòng không và tên lửa Hàn Quốc (KAMD).

Khi được yêu cầu phân tích chính xác về những loại tên lửa Triều Tiên đã bắn trong 2 đợt phóng thử tên lửa trong tháng này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết vẫn chưa xác định được chi tiết các vụ phóng. Về vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, Hàn Quốc chưa xác định được có phải là tên lửa đạn đạo hay không.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết thêm, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 MSE mới nhất của nước này do quân đội Mỹ vận hành, có khả năng bắn hạ tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Bên cạnh đó, kế hoạch quân sự triển khai hệ thống PAC-3 MSE của Hàn Quốc sẽ bắt đầu từ năm 2021.

Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 CRI đang được quân đội Hàn Quốc và Mỹ sử dụng nhằm tấn công các mục tiêu có độ cao tối đa lên tới 20km, trong khi hệ thống PAC-3 MSE có thể tấn công các mục tiêu có độ cao 40km. Hàn Quốc cũng sở hữu một loại tên lửa tầm ngắn tên gọi Huynmoo-2, có tầm bắn khoảng 800km và trang bị đầu đạn tân tiến. Nhiều nhà phân tích khẳng định, Hàn Quốc đã cộng tác với Nga để thiết kế tên lửa Huynmoo. 

Theo một số chuyên gia nhận định, tên lửa tầm ngắn Triều Tiên phóng thử tuần qua là bản sao của hệ thống tên lửa Nga có tên gọi Iskander. Tên lửa Iskander là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có độ chính xác cao, được thiết kế tránh các đợt không kích của các loại hệ thống phòng không. Nga thiết kế tên lửa Iskander để nhằm đối trọng với hệ thống Patriot của Mỹ. Tên lửa Iskander có thể tránh các cuộc không kích ở độ cao từ 15 đến 20km, sau đó quay trở lại tấn công mục tiêu. 

Bên cạnh đó, Iskander có tốc độ nhanh hơn Patriot, vì vậy hệ thống Patriot sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cấp và phá hủy vũ khí tên lửa như Iskander. Tên lửa Iskander có thể còn được trang bị một loạt đầu đạn bên cạnh các biến thể tên lửa hành trình và hạt nhân. Tên lửa tầm ngắn mới của Triều Tiên có thể sử dụng để đối phó với lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, hoặc tấn công các sân bay, vị trí đặt ra-đa và các căn cứ quân sự khác của Hàn Quốc. Không loại trừ khả năng Triều Tiên có kho vũ khí đủ để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn. 

Theo các nhà phân tích, Triều Tiên đang không chỉ gây áp lực với Mỹ bằng các vụ thử tên lửa mà trên thực tế, họ đang thuyết phục Hàn Quốc rời xa chính sách của Mỹ và tiến tới hợp tác kinh tế, chính trị với Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến lược của Triều Tiên sẽ không thể đạt được kết quả tích cực, bởi Bình Nhưỡng chỉ có thể dựa vào tên lửa để gây áp lực với các nước.

Hà Thu

Bình luận

ZALO