Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Quản lý trái phiếu doanh nghiệp

Biên phòng - Sau 11 tháng triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường này tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng với khối lượng phát hành đạt trên 495.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm tới 94,5% tổng khối lượng phát hành; trong đó, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm trên 49%, trái phiếu có tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Theo Bộ Tài chính, sở dĩ số lượng TPDN phát hành tăng mạnh trong năm qua là do các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng lại không thể vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, sự phát hành ồ ạt TPDN tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường và những nhà đầu tư riêng lẻ. Bởi, nhiều doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Ngay cả trái phiếu có tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Chưa kể, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia chứng khoán lo ngại, tỷ lệ TPDN không có tài sản đảm bảo cao đồng nghĩa nhà đầu tư phải chịu rủi ro với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt hoặc phá sản, các nhà đầu tư sẽ mất vốn và gây tác động đến thị trường trái phiếu, nền kinh tế.

Nguy hiểm hơn, việc phát hành ồ ạt TPDN không có tài sản đảm bảo dễ tạo ra “bong bóng” trái phiếu có thể làm ảnh hưởng tới những doanh nghiệp làm ăn tốt và phát hành trái phiếu một cách nghiêm túc.

Rõ ràng, hiện nay, các nhà đầu tư riêng lẻ đang bị thiếu thông tin và họ mới chỉ quan tâm đến lãi suất mà chưa thực sự quan tâm đến khả năng tài chính, tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc một số tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

Thực tế, một số doanh nghiệp đưa ra nhiều lí do khác nhau để hợp thức hóa quá trình phát hành trái phiếu và đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư. Họ sẵn sàng chịu phạt vì không khai báo, không đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước, vì số tiền phạt rất thấp so với cái lợi mà các doanh nghiệp phát hành có được.

Huy động vốn thông qua phát hành TPDN là một xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, giúp tăng khả năng huy động vốn trong dân và giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ ngân hàng.

Song để thị trường trái phiếu phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường giám sát, bổ sung thêm các quy định về tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và kiểm toán nhằm xây dựng thị trường TPDN phát triển bài bản, bền vững và minh bạch.

Bên cạnh đó, tăng nặng các chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm về phát hành trái phiếu, không chỉ đối với những doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán mà cả với những doanh nghiệp chưa lên sàn.

Trước thị trường trái phiếu biến động rất nhanh, đòi hỏi các cơ quan chức năng và nhà đầu tư cần có sự nhận diện, nắm bắt những rủi ro để sớm có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tế, tránh để thị trường trái phiếu bị “méo mó” ảnh hưởng đến hiệu quả của công cụ huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO