Biên phòng - Những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể... Để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp.
Ngày 25-6-2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật đã tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để triển khai một cách có hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.
Triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm vùng ven biển Việt Nam (là cơ sở để tổ chức giao khu vực biển cũng như thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển); xây dựng quy định tiêu chí phân cấp, hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; quy định các nội dung chuẩn bị ứng phó, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố hóa chất độc trên các vùng biển Việt Nam; quy định về nhận chìm ở biển.
Lần đầu tiên, Tổng cục Biển và Hải đảo đã tham mưu và thực hiện các thủ tục để Bộ cấp phép cho Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương (CHLB Nga) sử dụng Tàu Viện sĩ Oparin và Viện Nghiên cứu công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) sử dụng tàu Falkor vào nghiên cứu khoa học tại vùng biển của Việt Nam. Tổng cục còn đề xuất xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định. Đó là nhận thức và hành động để triển khai thực hiện pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển còn chưa đầy đủ, chưa quyết liệt. Đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cả Trung ương và địa phương còn thiếu và chưa đủ kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được hiệu quả công việc. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan trong trao đổi thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính công phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn thiếu...
Đặc biệt, các công cụ quan trọng để triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo mới đang được xây dựng như Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện thể chế, thiết chế cho đến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật... phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung nguồn lực thiết lập hệ thống công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Đó là: Cần sớm hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2025, nhằm tạo không gian biển cho các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông. Sớm hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển ở tất cả các địa phương có biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Đồng thời, tổ chức thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ nhằm giải quyết mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; ngăn chặn nguy cơ suy giảm nghiêm trọng giá trị các hệ sinh thái vùng bờ... Tổ chức thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo thì cần thiết phải tập trung nguồn lực để thiết lập được hệ thống công cụ nói trên.
Ngọc Sơn - Nhất Thống