Biên phòng - Để minh bạch hóa nghề cá, giám sát việc khai thác thủy sản, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Cà Mau đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về việc giảm thiểu khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và triển khai nhiều giải pháp khác để quản lý tàu cá, trong đó, có việc giám sát hành trình (GSHT) tàu cá. Tuy nhiên, người dân cũng sử dụng nhiều chiêu, trò khác nhau để đối phó.

Cà Mau là tỉnh duy nhất của Việt Nam có cả bờ biển Đông 107km và bờ biển Tây 147km, với tổng chiều dài bờ biển 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước, diện tích ngư trường gần 80.000km2. Là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, Cà Mau có nguồn lợi thủy sản phong phú, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, cũng như trong cả nước, Cà Mau chịu nhiều sức ép của việc khai thác quá mức với cường độ cao trong khoảng thời gian dài. Trong khai thác tồn tại nhiều loại ngư cụ và kỹ thuật khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Do đó, nguồn lợi thủy sản của Cà Mau đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về thành phần loài và kích cỡ.
Gần 68% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Hiện, Cà Mau có 4.937 phương tiện/572.820CV, trong đó, có 1.897 phương tiện có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động khai thác ven bờ làm nghề sát hại nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc quản lý tàu cá. Những năm gần đây, tàu cá của tỉnh Cà Mau khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý ngày càng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Việt Nam. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã chính thức áp dụng “thẻ vàng” cảnh báo đối với các mặt hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu và đưa ra các khuyến nghị về chống khai thác IUU.
Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng và dùng mọi biện pháp tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm được luật pháp quốc tế, nhưng tình trạng tàu cá Cà Mau khi khai thác thủy sản tại các khu vực chồng lấn ranh giới biển bị các lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản vẫn diễn ra thường xuyên. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, có 31 phương tiện khai thác thủy sản Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: “UBND tỉnh Cà Mau xem việc bắt buộc lắp thiết bị GSHT đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là giải pháp quan trọng để kiểm soát phương tiện hoạt động trên biển nhằm giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành, các cấp và các đơn vị có liên quan thực hiện quyết liệt việc triển khai bắt buộc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT (VMS) từ ngày 6-7-2018”.
Đến nay, tỉnh Cà Mau có 1.129/1.667 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỉ lệ 67,73%. Trong đó, có 48/54 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp đặt thiết bị GSHT theo quy định tỉ lệ 88,9%.
Kể từ khi UBND tỉnh Cà Mau thực hiện trước chủ trương bắt buộc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT thì số lượng tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài đã có chiều hướng giảm. Đến tháng 12-2019, tỉnh Cà Mau có 12 tàu cá/64 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, giảm 7 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018.
“Né” vận hành thiết bị giám sát hành trình
Ông Triều cho hay, hiện, tỉnh Cà Mau đã thành lập hệ thống tổ chức, điều hành, giám sát tàu cá theo hướng xã hội hóa: Một máy chủ được đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông để tích hợp dữ liệu của các đơn vị cung cấp thiết bị thành một hệ thống phần mềm dùng chung, đồng bộ để phân quyền sử dụng, khai thác dữ liệu cho các đơn vị liên quan; Trung tâm điều hành, giám sát tàu cá để giám sát chung tình hình hoạt động tàu cá trên biển được đặt tại Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau; Phòng điều hành, giám sát đặt tại Chi cục Thủy sản để thực hiện giám sát theo chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, phần mềm dùng chung của tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện các tính năng cơ bản, để giám sát các tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS của tỉnh.

Về tiến độ thực hiện lắp thiết bị GSHT cho tàu cá của tỉnh Cà Mau còn chậm. Nguyên nhân do một số người dân còn chưa quan tâm đến việc lắp đặt thiết bị GSHT, chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Một số tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị GSHT nhưng chủ yếu hoạt động gần bờ, chưa tiến hành trang bị, vận hành thiết bị VMS theo quy định, thậm chí còn có hành động phản ứng.
Tình trạng tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS nhưng mất kết nối chưa rõ nguyên nhân diễn ra một thời gian, chiếm số lượng từ 10 đến 15% tổng số đã lắp đặt. Nguyên nhân mất kết nối không ngoại trừ khả năng tác động của con người, trong khi cơ sở pháp lý xử phạt hành chính những hành vi ngắt kết nối chưa vững chắc. “Mặc dù đơn vị cung cấp thiết bị đã có nhiều giải pháp, hình thức thu phí dịch vụ vệ tinh, tuy nhiên, chủ tàu vẫn chây ì, đổ thừa không biết vì sao thiết bị không hoạt động, không chủ động kiểm tra tình trạng của thiết bị trước khi đưa tàu ra biển hoạt động. Trong khi đó, cơ chế cho phép sự tham gia tác động của Nhà nước chưa có” – Ông Triều nói.
Quá trình quản lý, giám sát tàu cá, tỉnh Cà Mau cũng đã phát hiện có những tàu cá dùng thiết bị rất gọn nhẹ, rẻ tiền bằng giấy bạc để vô hiệu hóa GSHT. Bên cạnh đó, một số tàu cá tắt thiết bị GSHT trong một vài khoảng thời gian hoạt động trên biển khiến cho trung tâm quản lý tàu cá trên bờ không biết được đường đi, vị trí khai thác thủy sản của các tàu cá từ điểm mất kết nối đến điểm kết nối lại được như thế nào.
Trung Đức