Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Quản lý rác thải nhựa đại dương phải bắt đầu từ đất liền

Biên phòng - 80% rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) có nguồn gốc từ đất liền. Tuy nhiên, việc quản lý RTNĐD đang là thách thức lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh thói quen sử dụng nhựa dùng một lần ngày càng tăng và năng lực quản lý chất thải rắn còn rất hạn chế.

0ead_13b
Bãi biển với nhiều rác thải chưa được thu gom tại Phú Yên. Ảnh: Bích Nguyên

Bãi rác trên biển

Dù đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới, ông Ngô Văn Nhuần, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi ngay trên con tàu của ông. Người ngư dân có kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển này làm nghề vây rút chì tại vùng biển vịnh Bắc bộ. Mỗi chuyến ra khơi của ông thường kéo dài hơn chục ngày. Chuyến nào đói cá (biển ít cá), thuyền ông phải lênh đênh cả tháng trên biển. Trước mỗi chuyến biển, ông Nhuần phải chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm đảm bảo việc ăn uống, sinh hoạt cho các thuyền viên trên tàu.

Khi chúng tôi lên tàu, các ngư dân trên tàu ông Nhuần đang nấu cơm trưa để ăn xong sẽ xuất bến luôn. Tôi hỏi ông Nhuần: “Khi đi biển thì rác thải bỏ đi đâu?”. Ông Nhuần không đắn đo, đáp lời: “Cho hết xuống biển chứ vứt đi đâu”. Tôi hỏi tiếp: “Rác thải nhựa, như túi ni lông, chai nhựa... rất khó phân hủy, ngư dân khi đi biển có hạn chế sử dụng không và xử lý như thế nào”. Ông Nhuần thật thà: “Cần thì vẫn phải dùng chứ, không ai hạn chế cả. Dùng xong thì quăng luôn xuống biển thôi”.

RTNĐD gây nên những tác hại nghiêm trọng như: Làm chết sinh vật biển do ăn phải rác thải nhựa không tiêu hóa được; mắc kẹt trong ngư lưới cụ trôi nổi; phá hủy sinh cảnh; du nhập loài ngoại lai. Sâu xa hơn, rác thải nhựa tác động tới ngành du lịch và sức khỏe con người. 

Cũng với câu hỏi xử lý rác thải như thế nào khi đánh cá trên biển, anh Lê Doãn Thảo, phường Quảng Cư, thành phố Thanh Hóa trả lời tôi trong vòng 1 giây: “Bỏ xuống biển”.

Thực tế, không phải chỉ có ông Nhuần, anh Thảo không có ý thức giữ gìn môi trường trên biển. Thói quen xả rác, kể cả rác thải nhựa xuống biển có ở hầu hết người lao động trên biển mà không ý thức được những tác hại do rác thải nhựa gây ra. Ở vùng ven biển Việt Nam không khó để tìm thấy những bãi biển, cảng cá ngập rác thải. Thực trạng này đã và đang tác động xấu tới môi trường cũng như hệ sinh thái biển.

Thách thức lớn đối với Việt Nam 

Các thống kê, nghiên cứu của Việt Nam chưa xác định được cụ thể, chính xác về khối lượng, chủng loại rác thải nhựa tồn tại ở vùng biển. Trong khi đó, lượng nhựa được sử dụng tăng nhanh. Các chuyên gia chỉ ra rằng, 80% RTNĐD có nguồn gốc lục địa, do vậy, các giải pháp quản lý phải dựa trên việc quản lý rác thải rắn trên đất liền. Tuy nhiên, việc quản lý rác thải của Việt Nam hiện rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, xả rác thải nhựa không theo quy định vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn

Theo Vụ Quản lý rác thải sinh hoạt, Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Khối lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, chiếm khoảng 60-70% tổng lượng chất thải rắn đô thị cả nước. Tại một số đô thị, tỷ lệ CTRSH phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom CTRSH hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60% so với lượng phát sinh. Tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55% so với lượng phát sinh. Việc thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn vẫn chưa được áp dụng rộng rãi do thiếu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, thiết bị, nhân lực, nhận thức của cộng đồng.

Ngoài việc không thể thu gom hết CTRSH, Việt Nam còn lạc hậu trong xử lý CTRSH. Công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu là chôn lấp (75%), trong đó, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí... ảnh hưởng tới những người sinh sống trong khu vực. Việt Nam cũng chưa có định hướng triển khai công nghệ xử lý CTRSH phù hợp cho từng loại công nghệ xử lý. 

Đến năm 2030, giảm 75% rác thải nhựa đại dương

Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu RTNĐD với mục tiêu rất cao. Quyết tâm của Việt Nam được thể hiện tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.

zhl5_13a
Nhu cầu sử dụng túi ni lông gia tăng đang gây áp lực lớn cho việc thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa của Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên 

Bên cạnh những cam kết chính trị mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2019, trong đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTNĐD đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý RTNĐD. Giảm thiểu 50% RTNĐD; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng RTNĐD tại một số cửa sông chính, đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch...

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thực hiện cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển; cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển. Giảm thiểu 75% RTNĐD; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Thiết lập cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực nhằm giảm thiểu RTNĐD.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO