Biên phòng - Trước vấn nạn rác thải nhựa đe dọa đến môi trường sinh thái biển và đất liền, đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu và đề xuất những kế hoạch, phương án, chương trình hành động quốc gia chống rác thải nhựa ra đại dương đến năm 2030. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Việt Nam hành động với thế giới
- Thưa ông, tại sao nước ta phải xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa ra đại dương đến năm 2030?
- Trên thế giới, đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến nhằm giảm thiểu nhựa nói chung, rác thải nhựa ra biển nói riêng ở cả quy mô toàn cầu và khu vực như Chương trình hành động quốc tế về bảo vệ môi trường biển từ những hoạt động có nguồn gốc từ đất liền – Công ước Washington 1995, Sáng kiến toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về rác thải biển. Quan hệ đối tác toàn cầu về quản lý chất thải, Bộ quy tắc ứng xử về nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)...
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Tại kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra vào tháng 6-2018, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới hiện nay, việc xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 là vô cùng cần thiết và cấp bách để giải quyết những vấn đề nêu trên. Do vậy, ngay đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng kế hoạch.
- Chính vì hành động quốc gia trong quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa vẫn chưa đủ mạnh, do đó, cần phải có những quy định rõ ràng, quyết liệt hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy, quan điểm của ông như thế nào?
- Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Đặc biệt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý nhóm rác thải này.
Do vậy, cần phải có quy định riêng để phù hợp với tình trạng ô nhiễm nhựa trên biển ngày càng nghiêm trọng, thúc đẩy các chính sách giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa. Trong dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đã trình Thủ tướng Chính phủ, đặt mục tiêu đến năm 2025 “xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương”. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương là một trong 7 nhiệm vụ chủ yếu, nêu trong dự thảo kế hoạch.
Ngăn ngừa rác thải nhựa từ đất liền
- Một thực tế ở nước ta hiện nay, rác thải nhựa đổ ra biển có nguồn gốc từ tàu đánh cá, cơ sở du lịch, khu dân cư ở đảo và ven biển... Trong Kế hoạch hành động quốc gia chống rác thải nhựa sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
- Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, chúng ta cần xác định quản lý rác thải nhựa đại dương là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương, được tiến hành liên tục và có lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ và thực tiễn để thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quản lý rác thải nhựa đại dương là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và từng người dân.
Cần sự hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới. Chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Bằng các biện pháp tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nhựa, coi rác thải nhựa là nguồn tài nguyên.
- Ở đất liền có một lượng lớn rác thải nhựa theo các con sông đổ ra đại dương. Vậy thì, trong Kế hoạch hành động quốc gia chống rác thải nhựa, sẽ giảm nguồn rác thải này như thế nào?
- Nhiều kết quả nghiên cứu quốc tế cho thấy, 80% lượng rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc từ đất liền và 20% còn lại là do các hoạt động trên biển. Bằng nhiều phương thức khác nhau, rác thải nhựa trên đất liền đổ ra biển. Ví dụ, rác nhựa trôi từ các sông nhỏ, gộp về sông lớn và ra biển. Trong dự thảo kế hoạch, chúng tôi đã đề xuất nhiệm vụ “ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền” là một trong 7 nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch:
Triển khai kiểm soát, quản lý việc phát sinh rác thải nhựa trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp bao bì, đóng gói, đồ gia dụng, thực phẩm, công nghiệp mỹ phẩm, thời trang; tập trung mạnh tại các khu vực ven sông, ven biển, hải đảo; kiểm soát, quản lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển; mở rộng mô hình phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý; chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, làm sạch, xử lý rác thải. Các địa phương có biện pháp phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại nông thôn.
Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải trên sông, bảo vệ môi trường nước đối với 9 lưu vực sông lớn của nước ta. Khuyến khích sản xuất sản phẩm thay thế nhựa, thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng những vật liệu ít gây ô nhiễm môi trường biển trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa tại một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Luận (thực hiện)