Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 10:26 GMT+7

Quản lý nghề cá bằng công nghệ điện tử

Biên phòng - Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi nghề cá sang bước mới hướng tới sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh đang nỗ lực thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thì việc ứng dụng công nghệ 4.0 để minh bạch hóa nghề cá, truy suất nguồn gốc thủy sản được coi là giải pháp hiệu quả.

7wxz_17
Việt Nam đang triển khai lắp thiết bị GSHT cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ảnh: Bích Nguyên

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, ứng dụng công nghệ điện tử là giải pháp hiệu quả nhất giúp minh bạch hóa nghề cá và  quản lý nghề cá bền vững, đặc biệt là trong việc ngăn ngừa tình trạng khai thác IUU. Hiện, Việt Nam đang cập nhật các công nghệ hiện đại vào quản lý tàu cá như triển khai bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với các tàu cá. 
Ghi nhận từ thực tế

Từ tháng 7-2018, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt việc triển khai bắt buộc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT. Đến cuối năm 2019, Cà Mau đã lắp thiết bị GSHT cho khoảng 70% tàu cá có chiều dài từ 15m và gần 90% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên. Theo ông Nguyễn Việt Triều, Chi cục Thủy sản Cà Mau, từ khi bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT, số lượng tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài đã có chiều hướng giảm.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng triển khai lắp đặt thiết bị GSHT đối với tàu cá với 2 trạm bờ thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh. Hiện, có gần 3.000 tàu cá được trang bị máy thông tin liên lạc và thiết bị Movimar phục vụ cho việc quản lý tàu cá hoạt động trên biển. Các trạm bờ có nhiệm vụ cung cấp thông tin vị trí hoạt động của các tàu cá để có cơ sở xác nhận nguồn gốc thủy sản; phát hiện, cảnh báo tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài và phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Hiện, Việt Nam có hơn 90.000 tàu làm nghề khai thác thủy hải sản. Để quản lý tàu cá, nhất là tàu đánh bắt xa bờ từ năm 2018, Việt Nam đã triển khai lắp đặt thiết bị GSHT đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: “Đến nay, hệ thống giám sát tàu cá đang quản lý, giám sát hoạt động của 9.421 tàu cá 15m trở lên (đạt tỉ lệ 30%); 2.027 tàu cá có chiều dài trên 24m (chiếm 78%) và 7.394 tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m (chiếm 26%)”. 

Hệ thống có thể thu nhận thông tin dữ liệu tàu cá của cả nước như vị trí, hải trình; lưu trữ, quản lý, trích xuất dữ liệu tàu hoạt động trên các vùng biển; cảnh báo khi tàu ra vùng biển nước ngoài, vào khu vực cấm khai thác, hoạt động sai vùng, sai tuyến. Bên cạnh đó, trung tâm cũng chia sẻ dữ liệu và phân cấp quản lý để các địa phương truy cập dữ liệu tàu cá phục vụ truy xuất nguồn gốc; kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống của các cơ quan chức năng liên quan phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Tổng cục Thủy sản cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thí điểm ứng dụng nhật ký điện tử (eCDT) cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích các dữ liệu giám sát tàu cá hiện có tại Việt Nam. 

Giám sát tàu cá bằng vệ tinh và trí thông minh nhân tạo

Thực tế chia sẻ từ các địa phương cho thấy cả những cơ hội và thách thức trong áp dụng công nghệ điện tử phục vụ GSHT, phân tích dữ liệu tàu cá và truy xuất nguồn gốc. Một trong những thách thức đó là năng lực khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá còn hạn chế, trong khi đó, vẫn còn tình trạng mất tín hiệu, mất kết nối với trạm bờ do nguyên nhân khách quan và cả sự tác động của con người.

Theo ông Triều, việc phân tích dữ liệu tàu cá từ thiết bị GSHT đang gặp một số khó khăn đòi hỏi phải có công nghệ nối điểm để vẽ lại hành trình của tàu cá trong thời gian mất kết nối. Còn về nhật ký điện tử, yêu cầu lớn nhất là hạn chế thấp nhất thao tác của tài công trong ghi chép, tránh bội thực phần mềm, bởi hiện nay, một tàu cá sử dụng 3-4 phần mềm điện tử. Ông Triều cho rằng cần lồng ghép các phầm mềm điện tử lại làm một, sao cho dễ sử dụng và giảm bớt được thao tác của tài công. 

Chia sẻ việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý tàu cá, ông Jaeyoon Park, Trưởng nhóm nghiên cứu khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát khai thác toàn cầu (GFW) cho biết, GFW đã thực hiện quản lý tàu cá thông qua giám sát bằng vệ tinh và trí thông minh nhân tạo. GFW chủ yếu theo dõi các tàu thông qua hệ thống nhận dạng tự động trên tàu (AIS), thiết bị giống như GPS mà các tàu lớn sử dụng để xác định vị trí, danh tính, lộ trình và tốc độ của chúng. Công nghệ AIS có thể phát hiện tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bằng tia hồng ngoại, phân tích chuyển động của cá tàu, ngư cụ để biết họ đang di chuyển hay đang đánh bắt, tự động phát hiện ra các điểm các tàu gặp nhau ngoài khơi. Vị trí của ngư dân hiển thị rải rác trên bản đồ trực tuyến công khai. GFW đang theo dõi sự chuyển động khoảng 65.000 tàu đánh cá thương mại. 

Để khắc phục tình trạng tàu cá không truyền tín hiệu vị trí, từ năm 2018, GFW đã kết hợp dữ liệu hình ảnh ánh sáng mới do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cung cấp, cho phép phần mềm này theo dõi các tàu cá vào ban đêm. Hệ thống giám sát ban đêm mới phát hiện từ 10.000 đến 20.000 thuyền không truyền tín hiệu vị trí.

Ông Jaeyoon Park cho biết: GFW sẽ chia sẻ, hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam kỹ thuật để phân tích hoạt động đánh bắt cá với dữ liệu VMS; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trung tâm thông tin; phân tích, cảnh báo vi phạm của các tàu cá; hỗ trợ cải thiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản qua phân tích dữ liệu và đánh giá rủi ro IUU.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO