Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 05:10 GMT+7

Quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

Biên phòng - Chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước là một quá trình thay đổi đồng bộ cả về hạ tầng vật chất và ý thức con người, thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp dụng các công nghệ mới, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo và quy trình làm việc...

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh trao đổi kinh nghiệm sử dụng phần mềm quản lý xuất nhập cảnh. Ảnh: Đức Hải

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm gần đây, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về cải cách hành chính quân sự và chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Theo đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử trong BĐBP và 54 tiểu ban tại các đơn vị trực thuộc, từng bước triển khai hiệu quả “Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử trong BĐBP giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025”, thực hiện nghiêm “Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong BĐBP”... để công tác ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ đột phá trọng tâm của BĐBP.

Trên cơ sở kế thừa hệ thống hạ tầng, trang bị kỹ thuật sẵn có, BĐBP đã chủ động liên hệ, phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để đầu tư nâng cấp toàn diện nền tảng công nghệ số phù hợp với xu thế chung. Đồng thời, có kế hoạch bổ sung, đào tạo nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin.

Từ năm 2018, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai xây dựng hệ thống Trung tâm chỉ huy tác chiến nghiệp vụ Biên phòng, hiện kết nối liên thông 48 đầu mối trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả chỉ huy, chỉ đạo từ Bộ Tư lệnh BĐBP đến các đơn vị, nhất là khi có các tình huống, nhiệm vụ đột xuất. Vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến của Bộ Quốc phòng với 49 điểm cầu thuộc Bộ Tư lệnh, Thường trực Bộ Tư lệnh, Học viện Biên phòng và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, tiến hành kết nối mạng truyền số liệu quân sự đạt 50% từ các đơn vị trực thuộc về Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh. Các hệ thống mạng Misten của Quân đội, mạng LAN, mạng hội nghị thông tin khoa học quân sự trực tuyến... được cài đặt mở rộng và thường xuyên cập nhật phần mềm ứng dụng mới.

Bên cạnh đó, BĐBP đã đầu tư và đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm quản lý xuất nhập cảnh tại Bộ Tư lệnh, quản lý dữ liệu xuất nhập cảnh toàn bộ hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu cảng biển; trang bị hơn 5.000 loại trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đồng bộ cho các đồn Biên phòng; tổ chức tập huấn sử dụng định vị vệ tinh (GPS), máy tính cài đặt chương trình nghiệp vụ... cho cán bộ để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới và kiểm soát cửa khẩu. Hiện nay, đã có 70% cán bộ, nhân viên được trang bị máy tính kết nối mạng quân sự và được đào tạo, tập huấn kỹ năng khai thác các phần mềm phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo, lưu trữ hồ sơ...

Một trong những điểm sáng về chuyển đổi số của BĐBP là hoạt động nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý.

Có thể kể đến các hệ thống tiên tiến, hiệu quả như “Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động” theo mô hình của các nước tiên tiến được triển khai tại 17 đơn vị cửa khẩu trọng điểm tuyến biên giới đất liền; “Kiểm soát xuất nhập cảnh bằng mã vạch” tại 18 cửa khẩu tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đối với cư dân biên giới được cấp giấy thông hành và 7 cảng biển đối với người được cấp các loại giấy phép tại cảng và lên, xuống tàu. “Hệ thống phần mềm quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh theo mô hình tập trung cơ sở dữ liệu” được triển khai tại 71 đơn vị cửa khẩu tuyến biên giới đất liền, góp phần tra cứu dữ liệu, lịch sử xuất nhập cảnh của hành khách cũng như đối tượng quản lý nghiệp vụ nhanh chóng, chính xác từ các đơn vị cửa khẩu trực tuyến về Bộ Tư lệnh BĐBP.

Công tác số hóa tài liệu cũng được đẩy mạnh với việc cập nhật chính xác, khoa học dữ liệu của hệ thống mốc quốc giới với 5.021 mốc và cọc dấu trên cả 3 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia; dữ liệu đo đạc và bản đồ số biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Các đơn vị, học viện, nhà trường trong BĐBP đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu thư mục với 1.090 biểu ghi, số hóa 246 đầu tài liệu, cập nhật hơn 200 hồ sơ chức danh khoa học, chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ, 195 bộ biên niên sử của các đơn vị BĐBP.

Đồng thời, triển khai ứng dụng phần mềm điện tử biên soạn, phổ biến các bản tin số, phần mềm quản lý tài chính, công sản, doanh trại, trang bị vũ khí, xe máy, tàu thuyền; phần mềm quản lý cán bộ, hồ sơ đảng viên, bảo hiểm quân nhân...; tích cực triển khai ứng dụng phần mềm xây dựng, phê chuẩn văn kiện tác chiến, kế hoạch bảo vệ cơ quan, đơn vị trên nền bản đồ số và sa bàn ảo 3D.

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy và gian lận thương mại, các đơn vị đã đầu tư phương tiện trinh sát kỹ thuật và máy soi quét X-quang tán xạ ngược phục vụ kiểm soát các loại phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa thông quan qua cửa khẩu khi có biểu hiện nghi vấn. Đồng thời, thông qua mạng internet, các cổng thông tin điện tử, ứng dụng Zalo, Facebook, Webchat... để nắm, thu thập, xác minh về hoạt động của các tổ chức phản động, khủng bố, các ổ nhóm, đường dây, làm tốt công tác đánh giá, dự báo tình hình và phát hiện từ xa, từ sớm âm mưu, ý đồ hoạt động của các loại đối tượng.

Đặc biệt, đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khảo sát và lắp đặt 80 hệ thống camera an ninh ven sông để phát hiện hoạt động của các đối tượng. Hệ thống này tiếp tục được nâng cấp bao gồm camera an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo AI View.

Các AI View được cài đặt các tình huống xâm nhập biên giới, giúp cho cán bộ theo dõi dễ dàng phát hiện ra di biến động của các đối tượng, góp phần giảm bớt áp lực về quân số và hạn chế về thời gian thực thi các hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, tăng hiệu quả công tác chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của BĐBP các cấp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an ninh phi truyền thống ở địa bàn biên giới.

Như vậy, có thể thấy rằng, những đột phá trong chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP đã tạo nhiều chuyển biến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.

Đặng Đức Hải

Bình luận

ZALO