Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 02:31 GMT+7

Quan hệ Trung-Mỹ và "cuộc chơi" ở Biển Đông

Quan hệ Trung-Mỹ và "cuộc chơi" ở Biển Đông

Biên phòng - Sự kiện Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực xung quanh các đảo Trung Quốc tôn tạo trái phép ở Biển Đông mới đây được giới chức Mỹ coi là khởi đầu cho một loạt hành động của Mỹ nhằm thách thức yêu sách đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Động thái mới này của Mỹ sẽ góp phần định hình tương lai quan hệ Trung-Mỹ và các tranh chấp ở Biển Đông.

nwa2_25-1.jpg
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ. Ảnh: EPA
 
Mỹ thách thức Trung Quốc?

70 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một sự căng thẳng mới chưa từng thấy kể từ Chiến tranh lạnh lại bùng nổ ở phương Đông - đó là bình luận của nhiều tờ báo quốc tế khi đề cập sự kiện Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen đến tuần tra tại vùng biển xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ đã lập tức bị các tàu của Trung Quốc bám sát và cảnh cáo.

Điều này không quá ngạc nhiên, vì theo nhiều nguồn thông tin rò rỉ trước đó, việc Mỹ đưa tàu khu trục đến Biển Đông chắc chắn diễn ra trong năm nay. Động thái của Mỹ cũng như phản ứng của Trung Quốc cũng đã được dự đoán trước. Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ về việc triển khai tàu chiến, triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đến để phản đối và Mỹ cũng nhanh chóng kết thúc các hoạt động tuần tra, không có thêm hành động khiêu khích.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ liên tục nhấn mạnh Mỹ sẽ hoạt động tại bất cứ vùng biển và vùng trời nào luật quốc tế cho phép. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, Hải quân Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc gặp ngày 29-10 và một quan chức Mỹ cho biết, hai bên đã nhất trí duy trì đối thoại và tuân thủ mọi nguyên tắc để tránh xung đột.

Theo Reuters, nguy cơ đụng độ ngày càng gia tăng sau khi giới chức Mỹ tuyên bố Hải quân nước này sẽ triển khai thường xuyên các chiến dịch nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải tương tự chuyến đi tuần tra vừa qua của tàu USS Lassen. Oa-sinh-tơn khẳng định điều này phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và luật pháp quốc tế.

Quan điểm chính thức của chính quyền Mỹ từ trước đến nay là không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo ở Biển Đông, nhưng việc tăng cường bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Giáo sư Ca-lin Thay-ơ của Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a bình luận: "Sau một thời gian dài, cuối cùng Mỹ đã thực sự hành động để khẳng định quyền tự do hàng hải bằng việc triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến Biển Đông. Việc Mỹ điều thêm máy bay do thám P-8A đi cùng tàu USS Lassen là nhằm giúp chỉ huy tàu Lassen và các chỉ huy hải quân khác có bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực đáp trả của Trung Quốc. Bằng cách "bước chân" vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, Mỹ đã trực tiếp thách thức với tuyên bố đòi chủ quyền của Bắc Kinh.

Theo quan điểm của Mỹ, hai bãi đá ngầm (Xu-bi và Vành Khăn) không có lãnh hải 12 hải lý vì chúng luôn ngập nước và chỉ nổi lên khi có thủy triều thấp. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về quy chế lãnh hải của hai bãi đá ngầm này. Vì thế, động thái mới này của Mỹ được cho là nhằm gây sức ép lên Trung Quốc để làm rõ yêu sách phi lý của nước này tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển xung quanh các bãi đá ngầm này cũng như vấn đề "đường 9 đoạn".

Biển Đông - vũ đài của hai siêu cường

Hoạt động đặc biệt của Hải quân Mỹ đã kết thúc một cách an toàn và không để xảy ra bất kỳ xung đột nào với Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, sự "xâm nhập" của Mỹ có thể cho Trung Quốc một lý do chính đáng hơn để quân sự hóa những đảo đá nhân tạo, bởi theo Bắc Kinh, Mỹ là kẻ khơi mào.

Theo báo chí Nga, vẫn còn quá sớm để cho rằng, Oa-sinh-tơn sẽ mạnh tay với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Rõ ràng, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang muốn "thăm dò, nghe ngóng" lẫn nhau và họ có nhiều thứ để mất nếu mối quan hệ song phương trở nên xấu đi mà không có khả năng cứu vãn.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, phản ứng của Trung Quốc trước sự kiện tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực gần các đảo nhân tạo được Trung Quốc vội vã xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là "rất khiêm tốn". Việc Mỹ tuần tra trong khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên thực tế là điều được tính toán trước. Oa-sinh-tơn không muốn Bắc Kinh mở rộng và khống chế cả khu vực Biển Đông, nơi không chỉ có trữ lượng khí đốt khổng lồ, mà còn là con đường hàng hải lớn của thế giới, với tổng khối lượng hàng hóa trung chuyển mỗi năm trị giá hơn 5 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng giá trị hàng hóa vận tại bằng đường biển của thế giới.

Ngoài ra, Mỹ từ lâu cũng đã nhận ra ý đồ của Trung Quốc trong "cuộc chơi" ở Biển Đông: Việc xây dựng những tiền đồn của Trung Quốc ở cách bờ biển nước này 1.000 hải lý là để "nối dài" hoạt động của Hải quân và Không quân Trung Quốc trên Thái Bình Dương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố với Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma rằng, quyền lợi kinh tế của hai nước gắn chặt với nhau, nên tốt nhất không nên rơi vào cái bẫy căng thẳng. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục có những động thái thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, sớm muộn sẽ xảy ra đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây chỉ là lời "hù dọa" chứ chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ sử dụng vũ lực để đáp trả. Mỹ nhiều lần khẳng định ưu tiên hàng đầu của họ là vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, và bất cứ sự cản trở nào từ bất cứ quốc gia nào trong khu vực đều đẩy Mỹ vào tình thế phải "ra tay". Những hành động lấn lướt của Trung Quốc thời gian qua là "giọt nước làm tràn ly", buộc Mỹ phải hành động thích đáng để cảnh báo Trung Quốc, đồng thời trấn an các đồng minh trong khu vực.

Có lẽ, Mỹ không có sự lựa chọn nào khác là "thách thức" Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán và có thể chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án quốc tế. Nếu đúng vậy, khả năng đối đầu Mỹ-Trung không còn là giả thuyết, nhưng sự đối đầu này dứt khoát sẽ không dẫn tới xung đột quân sự. Và, nếu không xảy ra xung đột quân sự, chắc chắn Mỹ và Trung Quốc sẽ có sự thỏa hiệp có lợi cho cả hai bên.

Trung Nguyên

Bình luận

ZALO