Biên phòng - Lâu nay, Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuất hiện trước cộng đồng quốc tế như những người đồng minh, là hai quốc gia láng giềng có chung ý chí. Tuy nhiên, thực tế mối quan hệ Nhật - Hàn lại hết sức phức tạp từ lịch sử, thực tế hiện nay và những lợi ích chung trong tương lai. Thậm chí, ở trên một vài góc độ, mối quan hệ này còn có sự thù địch, đối đầu,… khiến mối bang giao bị “đóng băng”. Yếu tố lịch sử được xem là trở ngại rất lớn với những nhà lãnh đạo mong muốn sự gắn kết, hòa thuận.
Theo giới quan sát chính trị châu Á, quan hệ ngoại giao Nhật - Hàn đã xấu đi trong vài năm qua, đặc biệt là từ năm 2018, các tòa án Hàn Quốc ra phán quyết ủng hộ việc Nhật Bản phải bồi thường cho Hàn Quốc vì những thảm kịch trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên 1910-1945. Đỉnh điểm căng thẳng leo thang vào năm 2019 khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế thương mại mới đối với Hàn Quốc và Hàn Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này đã tạo nên cuộc tranh chấp thương mại lớn, kéo lùi tiến trình phát triển sâu rộng của hai quốc gia, cũng như gây ảnh hưởng tới nhiều nước liên quan lợi ích.
Khi những bất đồng giữa hai nước ngày càng phức tạp, nhiều chuyên gia quốc tế và một bộ phận giới lãnh đạo của hai nước có chung quan điểm rằng, trước hàng loạt thách thức của thời đại, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn theo đuổi những đòi hỏi vô lý, bất chấp những bước phát triển của tương lai, cố chấp với những yếu tố lịch sử.
Thời gian gần đây, dù mỗi nước đều có sự chuyển biến tích cực, song, mối quan hệ Nhật - Hàn vẫn “đóng băng”. Đã gần hết nhiệm kỳ 5 năm kể từ năm 2017 khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đắc cử với mong muốn ban đầu là đưa quan hệ Nhật - Hàn tốt đẹp hơn, song, thực tế lại cho thấy, mối quan hệ bị đánh giá là ngày càng “thụt lùi” một cách rõ rệt. Trong một bài phát biểu trước công chúng mới đây, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh thông điệp rằng, các vấn đề lịch sử không thể cản trở hợp tác song phương hướng tới tương lai. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt rạch ròi giữa các vấn đề lịch sử và các mối quan tâm hiện tại.
Giới phân tích chỉ ra rằng, mâu thuẫn quan trọng hiện nay là phía Hàn Quốc muốn giải quyết các vấn đề lịch sử, điều mà người dân Hàn Quốc hết sức coi trọng và kiên trì theo đuổi. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề lịch sử chắc chắn cũng gây nên những tác động lớn đối với hiện tại và tương lai. Mâu thuẫn này là một “bài toán nan giải”, để cả Nhật Bản và Hàn Quốc có thể dung hòa, tìm ra lời giải chung. Cùng với đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tiềm lực quốc gia rất mạnh nên dường như không quan ngại việc đi đến sự “đối đấu”.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lên nắm quyền vào tháng 9-2020 đã từng tạo nên niềm tin trong cộng đồng quốc tế về việc cải thiện mối quan hệ Nhật - Hàn nhưng thực tế, mối quan hệ vẫn chưa có tín hiệu tích cực, thậm chí hai bên còn cáo buộc lẫn nhau có những động thái thiếu thiện chí.
Ở “bên thứ ba”, thời gian qua Mỹ không thể làm cho 2 đồng minh vượt qua “cái bóng” của lịch sử để tiến tới tương lai. Dẫu vậy, các nhà phân tích chính trị vẫn lạc quan cho rằng, trước các mối đe dọa địa chính trị khu vực và những lợi ích chung, Mỹ sẽ thực hiện tốt vai trò là “sợi dây gắn kết” Hàn Quốc và Nhật Bản, bởi Mỹ là quốc gia có tầm ảnh hưởng rất sâu sắc tới cả hai đồng minh này của mình.
Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng nhấn mạnh rằng, không có mối quan hệ nào quan trọng với Mỹ như mối quan hệ với đồng minh Nhật - Hàn. Giới chuyên gia tin rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ có những chính sách mới để hai nước Nhật - Hàn hướng tới tương lai với những lợi ích lớn và quan trọng hơn hết.
Thanh Trúc