Biên phòng - “Bước ngoặt”, “đột phá”, “tầm cao mới”... là vài cụm từ được giới chuyên gia chính trị quốc tế sử dụng khi đánh giá về chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Nhìn lại hành trình lịch sử, giới chuyên gia chính trị quốc tế cho biết, trải qua hơn 2 thập kỷ với nhiều đời Tổng thống Mỹ, lưỡng đảng siêu cường này đều cho thấy sự ủng hộ nhu cầu phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ. Hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang thúc đẩy mở rộng hợp tác với Ấn Độ, coi nước này là đối tác quan trọng trong chiến lược tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ những năm qua cũng ngày càng cho thấy ý chí hướng về phương Tây nhiều hơn. Kể từ khi trở thành lãnh đạo Ấn Độ từ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã 5 lần thăm Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm vừa qua mới là lần đầu tiên ông Modi đến Mỹ với đầy đủ quy chế ngoại giao của một chuyến thăm cấp Nhà nước.
Những nội dung thảo luận giữa ông Biden và ông Modi những ngày qua là chủ đề chính trị rất được quan tâm trong dư luận quốc tế. Theo đó, ông Biden khẳng định, quan hệ song phương là mối quan hệ đối tác có ý nghĩa quan trọng và đang trở nên mạnh mẽ, gần gũi và năng động hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, với kỳ vọng tươi sáng về việc quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Về phần mình, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, chuyến thăm Mỹ lần này của ông diễn ra tốt đẹp và có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử quan hệ song phương. Những quyết định quan trọng được hai bên đưa ra đã ghi chương mới trong lịch sử quan hệ.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Modi là việc hai nước nâng tầm quan hệ đối tác toàn cầu. Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo được đưa ra với 58 điểm. Đáng chú ý trong đó là quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương. Đặc biệt, quan hệ Đối tác chiến lược và toàn diện toàn cầu Mỹ - Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới về sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai nước cũng sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác đa dạng và mạnh mẽ hơn, thúc đẩy nguyện vọng của người dân; định hình hợp tác song phương để phục vụ lợi ích toàn cầu thông qua các tổ chức đa phương và khu vực để đóng góp cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và kiên cường.
Những điểm hứa hẹn tạo đột phá trong quan hệ hai nước thời gian tới đây là trong các lĩnh vực quốc phòng, thương mại đầu tư và không gian vũ trụ.
Đặc biệt, về phát triển toàn cầu, giới chuyên gia khẳng định, Mỹ và Ấn Độ là 2 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là những đối tác không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng, trật tự kinh tế tự do, công bằng và dựa trên luật lệ trên toàn thế giới. Cùng với đó, hai nhà lãnh đạo khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải được tôn trọng, đồng thời nhấn mạnh trật tự toàn cầu hiện đại được xây dựng trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Bình luận về kết quả chuyến thăm, giới chuyên gia nhận định, hai nước đã có bước ngoặt trong chính sách đối ngoại, rộng cửa cho hợp tác, hội nhập, củng cố cấu trúc an ninh chung, cũng như tận dụng các cơ hội để đạt được lợi ích tối đa.
Mặt khác, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt thách thức lịch sử. Việc Mỹ và Ấn Độ tạo ra bước ngoặt trong quan hệ gắn kết không chỉ có ý nghĩa với quan hệ song phương, mà còn thực sự gây dựng nên những niềm tin trong cộng đồng quốc tế. Bởi quan hệ Mỹ - Ấn Độ thực sự phát triển đột phá trong thời gian tới sẽ tác động tích cực đến trật tự toàn cầu nói chung và hiện thực hóa các tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở nói riêng.
Thanh Trúc