Biên phòng - Quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử sinh tồn của mỗi quốc gia và ngày càng gắn kết khi trải qua những biến cố, thử thách khắc nghiệt. Mặc dù tình hình khu vực, quốc tế thay đổi không ngừng, song mối quan hệ thủy chung, trong sáng, thân thiết giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Một lòng giúp đỡ cách mạng Lào
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Cách đây hơn 9 thập kỷ, cùng chia sẻ khát vọng cháy bỏng thoát khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc, các nhà cách mạng tiền bối của hai nước đã cùng nhau thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào diễn ra ngày càng rộng khắp, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp cả hai dân tộc giành được chính quyền cách mạng vào năm 1945.
Ngay sau đó, thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Nhân dân hai nước Việt - Lào tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dân Việt Nam, trực tiếp là người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã đón tiếp và bí mật nuôi giấu, bảo vệ đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và Ban Xung phong Lào - Bắc để tiến vào hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng, căn cứ kháng chiến ở các tỉnh Bắc Lào.
Đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản được tổ chức bố trí đến ở nhà cụ Tráng Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa. Gia đình cụ Lao Khô đã hết lòng chăm sóc, bảo vệ an toàn cho đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản. Ông Tráng Lao Lử, con trai cụ Tráng Lao Khô nhớ lại: Năm 1948, Ban Xung phong Lào - Bắc đã về bản chúng tôi và chọn nơi này làm địa bàn hoạt động bí mật để chuẩn bị xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Viêng Xay (Lào). Ông Cay Xỏn Phôm Vi Hản được bố trí đến ở gia đình chúng tôi, bố tôi và ông Cay Xỏn đã cùng cắt máu ăn thề, sống chết có nhau. Từ đó, gia đình và bà con dân bản chúng tôi đã giúp đỡ, nuôi giấu ông Cay Xỏn Phôm Vi Hản và Ban Xung phong Lào - Bắc.
Mặc dù nhiều khó khăn về kinh tế, gia đình tôi và người dân bản Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô 1) đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền của giúp Ban Xung phong Lào - Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. Dân bản luôn coi ông Cay Xỏn Phôm Vi Hản và Ban Xung phong Lào - Bắc là người con của bản. Gia đình tôi và bà con dân bản được cán bộ cách mạng tuyên truyền nên đã tin vào Đảng, vào Bác Hồ, do vậy đã tự nguyện che chở, giúp đỡ ông Cay Xỏn Phôm Vi Hản và Ban Xung phong Lào - Bắc để cùng nhau đánh kẻ thù chung, mang lại độc lập, tự do cho nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Ôn lại chặng đường lịch sử đã qua, đồng chí Văn Xay Pheng Xum Ma, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Hủa Phăn cho hay: “Hai nước Việt Nam - Lào đã cùng nhau liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung vì mục tiêu chung độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Trong thời kì đấu tranh gian khổ, nhân dân các dân tộc hai nước Lào - Việt Nam cùng đoàn kết, giúp đỡ về mọi mặt. Đây là tiền đề cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và là yếu tố quyết định thắng lợi cách mạng hai nước chúng ta, là tấm gương sáng chói cho mối quan hệ nhân dân quốc tế”.
Đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh tan chủ nghĩa thực dân và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào tiếp tục phát huy ở tầm cao mới trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30/4/1975 ở Việt Nam, ngày 2/12/1975 ở Lào.
Đồng hành, cùng phát triển
Ngày 5/9/1962, Việt Nam - Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao; ngày 18/7/1977, Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, là biểu tượng sinh động của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Dù rằng trong tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào luôn quan tâm tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện. Nội dung hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu gắn liền với thực tiễn hơn; mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, ngành ngày càng hiệu quả hơn và rộng khắp trên các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Tháng 2/2019, trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Lào, hai nước đã nhất trí nâng cấp từ mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” lên thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại”. Đây được coi là một mốc lịch sử quan trọng, tạo ra sự đột phá trong quan hệ hợp tác hai nước.
Đến nay, hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại giữa hai nước được tăng cường, ngày càng chặt chẽ và đi vào thực chất, góp phần giữ vững ổn định, an ninh chính trị ở mỗi nước. Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam tiếp tục là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, tập trung vào các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, năng lượng điện, viễn thông, nông lâm, khai khoáng…. Trong hợp tác thương mại, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt hơn 690 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam cũng tạo điều kiện để Lào sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1, 2, 3, giúp nước bạn thuận tiện trong việc vận chuyển xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua đường biển. Ngoài ra, Việt Nam và Lào cũng hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế…
Nhìn lại chặng đường hợp tác Việt Nam - Lào, chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào về những kết quả to lớn mà nhân dân mỗi nước đã giành được bằng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản dày công xây dựng và vun đắp bằng cả máu, nước mắt và tình cảm thiêng liêng của biết bao thế hệ người con anh hùng của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
An Nhiên