Biên phòng - Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) được thành lập vào ngày 22-12-1944, ban đầu chỉ với 34 thành viên đã phát triển thành đội quân chủ lực, lớn mạnh qua các thời kỳ cách mạng. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ngày thành lập Đội VNTTGPQ sau này được chọn làm Ngày Thành lập QĐND Việt Nam.

Năm 1944, phong trào đấu tranh cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ đặt ra yêu cầu phải xây dựng đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trước tình hình đó, tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng đã ban hành “Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ”. Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, và tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ - Tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay.
Đội gồm 34 cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, trong đó có 29 người là người dân tộc thiểu số. Đội được tổ chức thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng là Chính trị viên. Đồng chí Hoàng Văn Thái đảm nhiệm công tác tình báo, kế hoạch tác chiến.
Sự ra đời của Đội VNTTGPQ là sự kiện lịch sử quan trọng trong sự phát triển lớn mạnh không ngừng của QĐND Việt Nam sau này. Nghiên cứu Bản chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, chúng ta thấy nội dung là sự kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo trong đường lối, chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta ngay từ khi thành lập. Bản chỉ thị chỉ có 318 từ nhưng được đánh giá là cương lĩnh quân sự của Đảng. Trong chỉ thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Chỉ dẫn của Người đã định rõ nguyên tắc tổ chức hoạt động của đội quân chủ lực ngay từ những ngày đầu thành lập. Đó là việc xây dựng đội quân chủ lực dựa vào phong trào vũ trang toàn dân, từ nhân dân mà ra; luôn coi trọng xây dựng bản chất cách mạng của QĐND, lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt. Bản chỉ thị cũng nêu rõ chức năng của quân đội kiểu mới, ngoài chức năng chiến đấu, chức năng lao động sản xuất, còn có chức năng vận động tuyên truyền quần chúng, đồng thời chỉ ra nghệ thuật tác chiến của quân đội.
Có thể khẳng định, những chỉ đạo của Bác Hồ về tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cũng như những chỉ dẫn cụ thể của Người trong Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ đã đặt nền móng ban đầu quan trọng cho việc xác định phương hướng, mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu, nội dung, phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội. Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn mang giá trị thực tiễn, thực sự là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta.
Trong Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, Người nhận định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Đúng như nhận định của Người, từ căn cứ địa Cao Bằng, ngay sau lễ thành lập, Đội đã xuất quân đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (25-12-1994) và Nà Ngần (26-12-1944). Chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống Quyết chiến quyết thắng của QĐND Việt Nam.
Ngày 15-5-1945, Đội VNTTGPQ sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 11-1945, Đội VNTTGPQ đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành QĐND Việt Nam. Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như: Đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của QĐND Việt Nam. Trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Quân đội ta lớn mạnh vượt bậc. Toàn quân và toàn dân đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội, nổi bật nhất là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5-1954). Đây là chiến thắng giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở nước ta, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhiệm vụ của QĐND Việt Nam thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc XHCN, vừa tham gia đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quân đội ta cùng với toàn Đảng, toàn dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ làm nên nhiều kỳ tích khác, tiêu biểu là chiến thắng lịch sử năm 1975 thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, Quân đội ta lại cùng với toàn dân tiến hành thắng lợi các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hiện nay, QĐND Việt Nam tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thanh Ngân