Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Quân dân chung tay bảo vệ rừng biên giới

Biên phòng - Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị đoàn kết thống nhất, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an toàn xã hội; giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhân dân địa bàn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng biên giới.

rq62_9a
Cán bộ Đồn Biên phòng Ka Lăng và nhân dân tuần tra bảo vệ rừng biên giới. Ảnh: CTV

Đồn Biên phòng Ka Lăng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 30km tiếp giáp với Trung Quốc; địa bàn phụ trách gồm hai xã Ka Lăng và Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhìn chung, địa bàn đơn vị quản lí có núi rừng hiểm trở, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc La Hủ và Hà Nhì, nhận thức còn nhiều hạn chế, kinh tế  chậm phát triển. Chính vì thế, việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới và giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo được đơn vị xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Trên tinh thần đó, thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Ka Lăng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh tại cơ sở; cán bộ, chiến sĩ đề cao cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cư trú tại khu vực giáp biên tự giác thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát triển diện tích rừng tự nhiên tại địa bàn.

Theo thống kê, xã biên giới Ka Lăng có hơn 10 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó có 8.600ha rừng phòng hộ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân. Chính quyền địa phương, BĐBP đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo vệ, phát triển diện tích rừng ở khu vực biên giới xa xôi này.

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Ka Lăng đã phối hợp với UBND xã Ka Lăng thành lập 11 tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn. Nhiệm vụ bảo vệ rừng được chia theo từng khu dân cư, mỗi bản quản lý một diện tích rừng nhất định; ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy ước làng bản. BĐBP và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương kết hợp làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới và tập trung quản lý những khu rừng xa dân cư.

Những ngày đầu tháng 4-2019, thời tiết ở Ka Lăng có nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương, BĐBP đã vận động nhân dân dọn thực bì, phát đường băng cản lửa tại các khu vực giáp ranh giữa những cánh rừng.

Nói về điều này, ông Sỳ Lé Xó, Trưởng bản Nhù Te, xã Ka Lăng cho biết: “Bản hiện có 40 hộ, trên 180 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Hà Nhì. Ở đây, trung bình mỗi hộ trong bản nhận được trên 20 triệu đồng/năm tiền bảo vệ môi trường rừng. Việc được hưởng lợi từ chăm sóc, bảo vệ rừng và được cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ, xã, BĐBP tuyên truyền nên bà con đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Bản đã thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng với sự tham gia của các hộ dân trong bản”. 

Với phương châm phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời, nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy rừng, thiệt hại do cháy rừng gây ra, xã Ka Lăng đã thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ban chỉ đạo phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè, cán bộ kiểm lâm phụ trách xã, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ka Lăng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp bảo vệ rừng.

Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng thường trực, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng ở từng khu vực để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tại các bản, ngoài làm tốt công tác phòng cháy, tổ chuyên trách bảo vệ rừng chủ động chuẩn bị tốt các dụng cụ chữa cháy như: Máy cưa, dao phát, bàn dập lửa, dụng cụ đựng nước, chuông báo động... để sẵn sàng thực hiện công tác chữa cháy nhanh chóng, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng chống, chữa cháy rừng của người dân xã Ka Lăng có sự chuyển biến tích cực nhờ người dân đã được hưởng nguồn thu nhập ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã và các cơ quan chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng trong việc chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 75%, nhiều năm nay địa bàn không xảy ra cháy rừng.

Viết Lam

Bình luận

ZALO