Biên phòng - Cao nguyên Mộc Châu, Sơn La từ lâu được biết đến như là một vùng đất rộng lớn và đẹp nhất nhì ở Việt Nam. Nơi đây được nhiều người ví như Đà Lạt của vùng núi Tây Bắc với khí hậu trong lành, cảnh quan núi rừng kỳ vĩ, những con đường uốn lượn ôm sát sườn núi, những lớp sương mù dày đặc khiến cảnh vật nơi đây đẹp lạ, mê mẩn lòng người. Đến Mộc Châu, người ta dễ dàng tìm được một không gian yên tĩnh với những đồi chè xanh ngút ngàn, những vườn đào, vườn mận chín đỏ rực luôn sẵn sàng đợi bàn tay của lữ khách hái ăn thỏa thích.

Không chỉ vậy, ở ngay trong lòng cao nguyên Mộc Châu còn xuất hiện một kiệt tác thiên nhiên làm nao nức các khách du lịch khi đến đây, đó chính là thác Dải Yếm, có tên gọi khác là “thác Nàng” hay “thác Bản Vặt”. Thác Dải Yếm nằm cách trung tâm huyện Mộc Châu khoảng 5km theo hướng quốc lộ 43 đi cửa khẩu Lóng Sập, thuộc địa phận xã Mường La, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Thác Dải Yếm nằm trên dòng suối Vặt, khởi nguồn từ hai khe nước là Bó Co Lắm và Bó Tá Cháu ở bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Đây là một bản của người Thái có lịch sử rất lâu đời. Suối Vặt chảy khoảng 5km thì kết hợp với một dòng suối lớn bắt đầu từ bản Bó Sập, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Tại nơi hợp lưu của hai con suối này, dòng nước gặp một núi đá vôi chảy xuống tạo thành những thác nước sinh động, huyền ảo mang vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ giữa khung cảnh thiên nhiên yên vắng của núi rừng Tây Bắc.
Thác Dải Yếm ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu gắn liền với câu chuyện tình của đôi trai gái và đặc biệt là mối quan hệ hữu nghị đoàn kết Việt-Lào ở vùng biên giới phía Tây Bắc. Đấy là một câu chuyện đẹp nhưng kết thúc lại không có hậu. Cho đến ngày hôm nay, khi nhắc đến thác nước tuyệt đẹp này, người dân nơi đây thường kể về giai thoại chuyện tình của một đôi trai gái.
Truyền thuyết kể rằng, có một đôi trai tài gái sắc mồ côi và yêu thương nhau, nhưng vì chiến tranh, hai người phải tạm chia xa. Chàng trai lên đường giúp nước bạn Lào đánh giặc và nơi hai người nói lời tạm biệt cũng chính là đỉnh của dòng thác này. Chàng trai đi xa, người con gái ở nhà chung thủy đợi chờ ngày người yêu mình thắng trận trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, chàng trai vẫn không trở về, người con gái vẫn không nguôi hi vọng một ngày người thương của mình sẽ quay trở lại. Hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều tà, khi công việc trên nương rẫy đã xong, người con gái lại lên đỉnh của ngọn thác ngóng chờ về phía bên kia biên giới.
Rồi một ngày, trời bỗng nổi gió âm u, mưa lớn kéo dài, cô gái vẫn mạnh mẽ tiến về ngọn thác để ngóng chờ chàng trai, nhưng khi bầu trời trong xanh trở lại thì mọi người vĩnh viễn không còn nhìn thấy cô gái đâu nữa. Vì thế, thác Dải Yếm có tên gọi như ngày nay cũng bởi sau khi mất tích, trên ngọn cây ở thác vẫn còn vương lại chiếc dải yếm. Thương xót cho số phận cũng như ngưỡng mộ tình yêu của đôi trai gái, người dân nơi đây đã đặt tên thác nước này là Dải Yếm.
Thác Dải Yếm cao khoảng hơn 100m và được chia thành hai phần. Thác nước phía trên rộng hơn 70m và có 9 tầng, tượng trưng cho “9 bậc tình yêu” trong truyền thuyết, thác nước phía dưới chỉ có 5 tầng. Ngăn cách giữa hai phần thác là một bãi đất phẳng cực kỳ thuận tiện cho việc tham quan, ngắm nhìn cảnh đẹp của khách du lịch.
Dưới dòng suối Bó Sập là hàng ngàn phiến đá có nhiều hình dạng khác nhau trông rất lạ mắt, những cây cổ thụ rất to, lớn hơn một người ôm, các rễ cây mọc đan xen nhau hòa quyện xuống lòng suối. Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn thì có thể leo lên đỉnh thác sẽ được chiêm ngưỡng một thảm thực vật vô cùng phong phú.
Không chỉ vậy, từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra ngắm nhìn toàn bộ cao nguyên, núi rừng hùng vĩ. Thác Dải Yếm thường đẹp nhất vào khoảng tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, thời điểm này lưu lượng nước đổ về suối Vặt rất lớn, dòng chảy mạnh tạo nên một màn nước trắng xóa, trông vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Thác ngày đêm đổ xuống không ngừng nghỉ, hơi nước bốc nghi ngút như sương mờ.
Đến thăm thác Dải Yếm, du khách còn được đắm mình trong lễ hội xên bản, xên mường, được thưởng thức các điệu xòe, lời ca, tiếng hát truyền thống làm say đắm lòng người của các dân tộc huyện Mộc Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung; được hòa mình vào khung cảnh lặng lẽ, ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên, phong cảnh núi rừng được kết hợp với sức sáng tạo và bàn tay khéo léo của con người. Địa hình đồi núi nơi đây trùng điệp tựa như những bức tranh được sắp đặt bố cục hài hòa thơ mộng, ẩn mình trong làn mây của hơi nước bay lên bồng bềnh như một thành phố cổ tích khiến cho du khách cảm thấy thoải mái dễ chịu khi đến nơi đây.
Quang Long