Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Quả ngọt trên chiến trường năm xưa

Biên phòng - “Khu vườn này trước đây là nơi đóng quân của Mỹ - ngụy, gia đình tôi phải bỏ rất nhiều công sức đào bới, khắc phục tàn dư chiến tranh, cải tạo trồng cây ăn trái. Những cây điều, mít có hiệu quả kinh tế thấp, đang loại bớt dần, trồng xen cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao. Trong xã, nhiều người đang học theo cách làm của ông Thuận trồng sầu riêng, mỗi năm, ông thu nhập mấy trăm triệu đồng” - ông Rơ Châm Sâu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch, huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai giới thiệu khi đưa tôi tham quan vườn.

Xã Ia Pếch trở thành trung tâm sản xuất điện gió và canh tác cây công nghiệp của huyện biên giới Ia Grai. Ảnh: Hải Luận

Sau khi đánh ô tô đưa tôi đi thăm một vòng nhìn tổng quan phát triển kinh tế - xã hội của xã Ia Pếch - xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Sâu chia sẻ đầy tự hào: “Sau khi kí Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam, đây là đồi cao Ia Dáp được nhân dân xã Ia Pếch cắm cờ cách mạng. Bên kia là Ia Kênh, nơi quân ngụy cắm cờ, gây hấn, hòng phá hoại Hiệp định Paris năm 1973... Bây giờ, nơi đó, Công ty cổ phần đầu tư năng lượng điện xanh Gia Lai đầu tư trên 3.000 tỷ đồng làm điện gió, công suất thiết kế là 100MW. Toàn bộ dự án đã sản xuất điện rồi”.

Bắt đất “đẻ” ra tiền tỷ

Theo thông tin: “Học theo cách làm của ông Thuận trồng sầu riêng, mỗi năm thu nhập mấy trăm triệu đồng”, tôi tìm đến rẫy trồng sầu riêng của ông Hà Đăng Thuận, ở thôn O Pếch được xem là nông dân “kiểu mẫu” nhất xã. Người nông dân này đã trồng 500 cây sầu riêng xen vào diện tích vườn cà phê.

“Năm ngoái, gia đình tôi thu được trên 8 tấn sầu riêng, doanh thu gần 500 triệu đồng. Vụ năm 2022 này, đại bộ phận cây bắt đầu cho ra quả vụ thứ 2, coi như xếp vào đội hình những cây kinh doanh hái ra tiền. Trời thương, 500 cây sầu riêng ở đây sẽ cho thu nhập trong tầm tay 1 tỷ đồng. Năm 2023, cành tán ra rộng, sản lượng lớn hơn nữa” - ông Thuận khẳng định chuyện trồng xen đa cây rất hiệu quả.

Để chứng minh những điều ông Thuận nói là đúng sự thật, ông có một cuộc “hội thảo” đầu bờ nhỏ, tập hợp những nông dân ngày trước chỉ hai bàn tay trắng, nay đã sở hữu vài héc ta cà phê, trồng xen canh sầu riêng, mít, bơ... với số lượng hàng trăm cây mỗi hộ. Ông Nguyễn Văn Tuân, ở thôn Ku Tong có 6ha cây cà phê, trước đó, có trồng 200 cây sầu riêng, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Kim Hòa, ở thôn Sát Tâu, có 3ha cây cà phê, trồng xen 300 cây sầu riêng, 100 cây mít. Ông Lê Cảnh Ngọc, ở thôn Sát Tâu, có 3,5ha cà phê, trồng xen 450 cây sầu riêng, 600 cây mít, năm 2022, có tổng thu nhập 450 triệu đồng.

“Ở rẫy của tôi có 2 cây sầu riêng lớn, mỗi năm mang quả đi biếu tặng thoải mái, còn lại bán được 12 triệu đồng, xung quanh vẫn thu hoạch cây cà phê bình thường. Giá trị một trái mít bằng thu nhập một gốc cà phê lớn. Trồng xen cây ăn trái vào vườn cà phê là bước đi có tính toán khoa học và thực tiễn rất cao ở xã Ia Pếch. Năm 2022, vườn của tôi đồng loạt có thu từ 600 cây mít, tệ lắm cũng kiếm 400 triệu đồng, 2 năm sau, 450 cây sầu riêng của tôi đồng loạt ra trái nhiều, thì thu tiền tỷ là điều chắc chắn” - ông Ngọc tính toán chi li.

- Trong một diện tích vừa phải, nhưng lại “nhét” quá nhiều loại cây, liệu có đạt năng suất cao như ý muốn? - Tôi hỏi thẳng vào vấn đề cốt tử của người nông dân.

- Phải đưa tiến bộ khoa học vào để bắt đất “đẻ” ra tiền tỷ, mình trồng nhiều loại cây, phải đảm bảo khoảng cách cho cây đủ quang hợp ánh sáng. Tăng cường bón phân chuồng, chất dinh dưỡng vi lượng, nước tưới hợp lý..., những thứ đó quyết định đến năng suất của cây trồng. “Tâm mình” để ở đâu, thì “tiền ra” ở chỗ đó, làm nông nghiệp phải siêng năng và hiểu biết. Không có kinh nghiệm thì chủ động đi hỏi những người có kinh nghiệm trong xã, đây là bước đi nhanh và chắc chắn nhất.

Một mình bán một chợ

Người dân xã Ia Pếch rất nhạy với thời cuộc, họ “nhắm” cây nào có tiền và lợi nhuận cao là làm ngay. Chẳng hạn, trồng xen cây chanh dây ở diện tích cây cao su vừa mới tái canh còn nhỏ. Bà Rơ Châm Alih, ở thôn O Pếch, năm 2019, trồng 300 gốc chanh dây tại vườn của mình, thu nhập được 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Năm 2021, bà đầu tư lớn, thuê 2ha của Công ty cao su Ia Pếch, trồng gần 1.000 gốc chanh dây, thu lãi 300 triệu đồng.

Cây sầu riêng trồng ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai luôn đạt sản lượng cao. Ảnh: Hải Luận

Theo kinh nghiệm người dân ở đây, cây cà phê, tiêu là “cây căn bản” giống như cây lúa dưới đồng bằng. Chuyển hướng sang trồng cây sầu riêng là nhắm tới trở thành cây làm giàu ở vùng này. “Mỗi năm, tôi lấy 4.000 cây giống sầu riêng ở Đắk Lắk về bán cho người dân, tương đương 30ha đất trồng. Chỉ tính trong vòng 6 năm trở lại đây, nó tăng lên cả 1.000ha (nhiều người cùng bán giống). Dân ở dọc biên giới Việt Nam - Campuchia đang đua nhau trồng sầu riêng” - ông Thuận tiết lộ thêm thông tin quan trọng.

- Trồng quá nhiều sầu riêng như vậy sẽ gặp cảnh “được mùa rớt giá”, rồi lại “giải cứu” sầu riêng? - tôi hỏi.

- Câu hỏi của anh đụng đến nỗi sợ hãi của người nông dân, vì thiếu thông tin kinh tế nông nghiệp dễ bị “no đòn”. Bà con cứ cặm cụi làm chứ không biết “đầu ra” sản phẩm nó sẽ đi về đâu. Từ năm 1994, tôi là tay đi buôn sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk nên hiểu khá rõ loại cây này. Sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk lớn gấp nhiều lần của toàn tỉnh Gia Lai cộng lại. Điều may mắn cho xã Ia Pếch nói riêng và huyện biên giới Ia Grai nói chung, đó là ông trời ban tặng thời tiết, thổ dưỡng tốt để cây sầu riêng cho ra trái và thu hoạch trước tỉnh Đắk Lắk 1 tháng, trước tỉnh Lâm Đồng 3 tháng. Mấy năm nay, sầu riêng của nhà tôi luôn bán giá từ 50.000 - 75.000 đồng/kg. Năm 2021, xảy ra dịch Covid-19 rất nặng nề, tôi cũng bán giá 45.000 đồng/kg, nhiều khách hàng ở ngoài Hà Nội mua một lần mấy tạ. Kiểu như năm nay, vào chính vụ sẽ “cháy hàng”, vì một mình bán một chợ.

“Vùng đất xã Ia Pếch phù hợp loại giống sầu riêng Thái Lan (Monthong) cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng. Hương vị thơm ngon, ngọt béo, thịt mịn màng không xơ, cứng. Trái khi chín sẽ có màu xanh sáng nhạt và có độ bóng, rõ rãnh múi, cơm dày, khô ráo, dễ bảo quản. Hiện tại, loại giống này đang thịnh hành ở thị trường trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao. Đại bộ phận người dân 7 thôn của xã Ia Pếch đã trồng chen cây sầu riêng vào giữa diện tích cây cà phê rất nhiều, vừa có thu nhập từ cà phê, vừa “nuôi” cây giàu có cho những năm sau” - ông Ngô Khôn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pếch cho biết.

Hải Luận

Bình luận

ZALO