Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

“Phương thuốc” giảm nghèo cho bà con Lóng Sập

Biên phòng - Những dải đất lượn sóng trùng điệp bạt ngàn ở xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trước đây người dân chỉ trồng được cây ngô. Nhưng bây giờ, đất bạc màu, cây ngô cho năng suất thấp, giá cả lại không ổn định nên cuộc sống bà con vẫn quanh quẩn với cái nghèo. Năm 2017, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Lóng Sập, BĐBP Sơn La mạnh dạn xây dựng đề án đưa cây chanh leo vào trồng thí điểm mang lại niềm hy vọng thoát nghèo bền vững cho đồng bào. Khi đề án được các cơ quan chức năng thông qua, UBND huyện Mộc Châu đã đặt niềm tin vào BĐBP, quyết định hỗ trợ một phần vốn, phân bón và Công ty Cổ phần Thực phẩm Nafoods Tây Bắc hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá ổn định.

cxjn_11
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Lóng Sập giúp đỡ bà con cắt tỉa cành chanh leo sau khi đã thu hoạch. Ảnh: Viết Hà

Đồng bào các dân tộc Mông, Thái sinh sống bao đời trên địa bàn xã biên giới Lóng Sập luôn đoàn kết, thương yêu nhau, chăm chỉ lao động, sản xuất. Thế nhưng, ở dải đất biên cương, do điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, người dân vẫn canh tác lạc hậu, chưa tìm được cây chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao... nên tình hình phát triển sản xuất của địa phương gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân vẫn nghèo đói quanh năm. Không ít đồng bào vì túng quẫn đã bị lôi kéo tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, rồi vướng vào vòng lao lý hoặc nghiện ngập, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn biên giới phức tạp.

Tìm hướng đi phát triển kinh tế bền vững, lâu dài cho người dân là việc làm hết sức cần thiết. Vì thế, Đồn BPCK Lóng Sập những năm qua đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô sang trồng cam, bưởi, mận, đào... có giá trị kinh tế cao. Xét thấy quỹ đất của bà con còn nhiều, đầu năm 2017, đơn vị đã xây dựng đề án đưa cây chanh leo vào trồng thí điểm, phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn 3 hộ làm thí điểm mô hình. Để thực hiện thành công đề án, Đảng ủy, chỉ huy Đồn BPCK Lóng Sập tìm hiểu về loại cây này rất kỹ lưỡng, phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đưa ra bàn thảo nhiều lần từ việc hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, đặc biệt giải quyết “bài toán” đầu ra ổn định trước khi áp dụng.

Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Chính trị viên Đồn BPCK Lóng Sập cho biết, "Mộc Châu được xem là “Đà Lạt” của Tây Bắc, lúc nghe lãnh đạo địa phương gợi ý, chúng tôi sẵn sàng dốc sức giúp nhân dân áp dụng thành công mô hình trồng cây chanh leo. Qua tìm hiểu tài liệu khoa học, chúng tôi thấy, cây chanh leo rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Lóng Sập. Thời gian từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 5 - 6 tháng. Vật liệu làm giàn rất sẵn, có thể tận dụng được, nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho thu hoạch 4 - 5 năm sau mới phải trồng lại. Năm đầu tiên cho 30 - 40 tấn/ha, năm thứ hai đạt 70 - 80 tấn/ha/năm, với giá trung bình 7.000 đồng/kg (đạt 12 – 13 quả/kg), người trồng chanh trừ chi phí có thể đạt lãi suất hơn 500 triệu đồng/ha/năm”.

“Khi triển khai nhân rộng đề án, Lóng Sập sẽ trở thành vùng nguyên liệu chanh leo, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp bà con phát triển kinh tế, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó mật thiết với BĐBP. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần giải quyết những vấn đề “nóng” của địa bàn như di cư tự do, chặt phá rừng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy...” - Trung tá Đào Mạnh Tưởng cho biết thêm.

Trung tá Đào Mạnh Tưởng còn cho biết thêm: “Để tìm hiểu về năng lực của doanh nghiệp, tôi đã liên hệ với các đồng nghiệp, Hải quan ở các cửa khẩu, cảng biển để biết thêm thông tin lượng hàng xuất khẩu của Nafoods Tây Bắc. Khi đã có đầy đủ thông tin, cùng với việc doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn, chúng tôi đã yên tâm và cử cán bộ Đội Vận động quần chúng, phối hợp chặt chẽ với các kỹ sư hướng dẫn về kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lịch phun thuốc, bón phân, thu hái để cây phát triển tốt, cho năng suất ngày một tăng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...”.

Chỉ một thời gian ngắn hoàn thành việc tập huấn kỹ thuật, doanh nghiệp bàn giao gần 1.500 cây giống, hỗ trợ giúp 3 hộ dân trồng thí điểm. Để hỗ trợ Đồn BPCK Lóng Sập triển khai mô hình trồng cây chanh leo, Nafoods Tây Bắc đã cử kỹ sư hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc loại cây mới, đơn vị tập trung lực lượng tối đa giúp bà con làm giàn, đào hố và trồng cây. Đất không phụ lòng người, như cái duyên, cây chanh leo ở Lóng Sập đã phát triển nhanh, sinh trưởng tốt, cho quả sai và chất lượng tốt. "Mới thu hoạch vụ đầu tiên, nhưng các hộ dân trồng thí điểm đã hoàn vốn đầu tư và có lãi gần 80 triệu đồng. Với đà này, cây chanh leo thực sự mở ra niềm hy vọng giúp bà con thoát nghèo nhanh, bền vững" – Trung tá Đào Mạnh Tưởng tâm sự.  

Chúng tôi đến bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập thăm vườn chanh leo xanh mướt của ông Tráng Lão Tú. Vừa tỉa cành, ông Tú vừa tâm sự: "Cây chanh đang vào vụ tỉa cành, để đâm chồi nảy lộc chuẩn bị cho vụ mới. Nhà tôi được Đồn BPCK Lóng Sập hỗ trợ trồng 500 cây giống trên 1ha đất dốc, ban đầu, UBND huyện hỗ trợ 1,2 tấn phân bón, 660kg dây thép, các chiến sĩ Biên phòng giúp ngày công, thường xuyên lui tới nhắc nhở chăm sóc cây đúng kỹ thuật, bón phân đúng thời điểm. Năm đầu tiên thu hoạch được 10 tấn, thu nhập 120 triệu đồng và đã hoàn lại vốn đầu tư ban đầu. Năm 2018, hứa hẹn sẽ cho năng suất gấp 3 đến 4 lần, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Thực sự đây là cây thoát nghèo bền vững cho người dân chúng tôi. Tôi đang tính tiếp tục mở rộng diện tích, tạo công ăn việc làm cho các con".

Sau khi mô hình trồng chanh leo thu được kết quả tốt, đông đảo nhân dân ở các bản làng gần biên giới đã chủ động đăng ký trồng. Điều khiến cho người dân ở đây tỏ ra hết sức hào hứng với loại cây xóa đói nghèo này, đến thời điểm thu hoạch, Công ty Cổ phần Thực phẩm Nafoods Tây Bắc thu mua toàn bộ sản phẩm nên họ không phải lo đầu ra và bị ép giá.

“Nếu so sánh với trồng ngô, lợi nhuận chanh leo mang lại gấp nhiều lần. Hiện nay, trồng ngô chỉ đủ ăn là may lắm rồi, do đất đã cằn cỗi, năng suất thấp, đầu ra bấp bênh, luôn bị tư thương ép giá, nhiều năm mất mùa, thu không đủ chi, nhiều gia đình phải chịu cảnh nợ nần chồng chất, nên có chịu khó bao nhiêu cũng không thoát được đói nghèo” – Ông Tráng Lão Tú chia sẻ.

Với quyết tâm "biến" cây chanh leo thành loại cây xóa nghèo bền vững, những năm tới, Đồn BPCK Lóng Sập tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, ký cam kết bao tiêu sản phẩm. Đồn còn bảo lãnh với ngân hàng để người dân vay vốn phát triển chanh leo nguyên liệu trên diện tích đất dốc của toàn xã.

Viết Hà

Bình luận

ZALO