Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Phượng hoàng cất cánh

Biên phòng - Nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, bên hành lang cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, nút giao thông quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên (Việt Nam) với các tỉnh Đông Bắc Campuchia, xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai là một trong những địa bàn chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trên vùng “tam giác phát triển”.

Cán bộ Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai và cán bộ tăng cường xã hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê cho người dân xã Ia Dom. Ảnh: Thái Kim Nga

Đây cũng là địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Tròn 30 năm kể từ ngày thành lập (6/12/1990 - 6/12/2020), phát huy những lợi thế to lớn về nội lực và những cơ chế, chính sách ưu tiên thông thoáng, Ia Dom chuyển mình vươn lên trên đôi cánh Phượng Hoàng...

“Chuyển mình” từ nội lực

Nguồn lực đầu tiên cần phải kể đến đó là nhân dân - chủ thể chính của đất rừng biên giới Ia Dom. Đi ra từ chiến tranh, những ngôi làng Moóc Đen, Moóc Trang, Moóc Trê (trước năm 1990 thuộc xã Ia Kla) đều là trung tâm của “vùng trắng” mênh mông trên biên giới.

Ngày ấy, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ công tác giáo dục và y tế hầu như chưa có. Người lớn, trẻ em trong các làng “rủ nhau”... mù chữ hàng loạt, trong khi y tế thì lệ thuộc hoàn toàn vào... thầy mo, thầy cúng, một số bài thuốc dân gian và sự trợ giúp từ những người lính Biên phòng.

Khó khăn chồng chất, nhưng phẩm chất kiên cường, bền bỉ trong chiến tranh đã trở thành vốn quý để người dân củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết một lòng, từng bước vượt khó vươn lên xây dựng đời sống ngày càng phát triển.

Niềm tin của nhân dân dành cho chính quyền là cơ sở quan trọng để xã Ia Dom tập hợp sức mạnh đoàn kết, phát huy tối đa nguồn nội lực cho sự phát triển. Xác định sản xuất nông nghiệp là chủ lực, mỗi năm chiếm tỷ trọng gần 95%, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể xã Ia Dom tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng ngắn và dài ngày, chú trọng sản xuất hàng hóa, dần hình thành vùng chuyên canh cây hàng hóa cà phê, điều, cao su lên đến gần 1.800ha, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, mở ra cơ hội cho mọi người dân thoát nghèo bền vững.

Giá trị sản xuất công nông nghiệp, thương mại dịch vụ có những bước phát triển đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Đến cuối năm 2020, xã Ia Dom đã có 101 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, 49 danh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại-dịch vụ xã Ia Dom được tỉnh Gia Lai và huyện Đức Cơ quan tâm đầu tư, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cả hệ thống chính trị và mọi người dân chung sức đồng lòng bắt tay vào cuộc đã giúp Ia Dom nhanh chóng “cán đích” trở thành một trong những xã biên giới đầu tiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã được xây dựng khang trang kiên cố, kết cấu giao thông liên thôn, liên xã đã được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một cách đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Từ một địa bàn “vùng trắng”, bước xuất phát điểm thấp, xã biên giới Ia Dom trở thành vùng phát triển năng động, tỷ lệ hộ nghèo được kiềm chế dưới mức 2,26%.

Dấu ấn người lính quân hàm xanh

Ia Dom phát triển như ngày hôm nay trước hết nhờ vào “đôi chân” của mình, đôi chân dám bước vào và vượt qua thử thách trong sự nâng đỡ, chở che của những chủ trương, chính sách vì dân của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sẽ thiếu sót nếu không nói đến những đóng góp thầm lặng, đầy tính nhân văn và cực kỳ hiệu quả của người lính Biên phòng.

Sau quãng thời gian rất dài đồng hành với buôn làng biên giới, năm 2012, BĐBP Gia Lai được lãnh đạo chính quyền địa phương lựa chọn là đơn vị đỡ đầu cho xã Ia Dom trong xây dựng nông thôn mới. Đây có thể xem là bệ phóng quan trọng để “cánh chim Phượng Hoàng” cất cánh trên bầu trời biên giới.

Bởi, chỉ sau 3 năm (2012- 2015), với sự đầu tư trọng tâm trọng điểm của chính quyền địa phương các cấp và BĐBP, 8/8 thôn, làng trong xã đã được thụ hưởng một cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm có thể nói là rất kiên cố hiện đại. Các nhu cầu về văn hóa tinh thần, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ, cảnh quan môi trường, y tế, giáo dục và ổn định an ninh trật tự của người dân được đáp ứng một cách tốt nhất.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai tham gia xây dựng nông thôn mới ở xã Ia Dom. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông Ngô Hữu Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Dom, chia sẻ: “Bên cạnh sự quan tâm đầu tư, lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của tỉnh và huyện thì đóng góp của BĐBP là rất lớn. Bất kể lĩnh vực nào cũng có dấu ấn đậm nét của những người lính mang quân hàm xanh, từ quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. BĐBP thực sự là nguồn lực để xã Ia Dom tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trên con đường phát triển...”.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho rằng, đóng góp của BĐBP không chỉ đến từ sự hỗ trợ đầu tư hàng tỷ đồng, cùng hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình dân sinh, tạo ra sinh kế trong phát triển kinh tế, hay nhà ở cho người nghèo mà trên tất cả, mỗi việc làm của người lính là một “hạng mục” để cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nên “căn cứ niềm tin” trong nhân dân. Ví như mô hình “Bếp ăn tình thương” hay Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, quy mô nhỏ mà sức lan tỏa rộng lớn, chắp cánh cho ước mơ trẻ thơ vùng biên giới bay cao bay xa.

Rồi những lúc bà con gặp thiên tai, hoạn nạn, nguy cơ dịch bệnh hoành hành, người đầu tiên họ nhớ đến đó là BĐBP, bởi bước chân của người lính “quân hàm xanh” dường như đã đi vào hơi thở cuộc sống nơi buôn làng biên giới.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO