Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Phum, sóc Trà Vinh đang đổi thay từng ngày

Biên phòng - Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 31,53%). Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; hạ tầng vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc.

jeac_17a
Từ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, chị Thạch Thị Sắc được hỗ trợ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi 

Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Trà Vinh thực hiện hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, dự án hỗ trợ đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, đã xây dựng 154 công trình, dự án, cầu, đường giao thông tại các vùng đồng bào dân tộc; hỗ trợ hơn 37.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer được sử dụng điện, cải tạo cho gần 6.000 hộ sử dụng điện an toàn... với kinh phí hơn 236 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trà Vinh thực hiện chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trợ giúp pháp lý cho đồng bào, cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Hộ Khmer nghèo được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiền điện... Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Nhờ vậy, giai đoạn 2018-2020, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm gần 10.000 hộ.

Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là ấp có 98,8% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ông Thạch Thái Bình, Phó Bí thư chi bộ ấp Sóc Chà B, cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, được sự hưởng ứng và hăng hái nhiệt tình tham gia của nhân dân trong ấp, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. “Từ đầu năm đến nay, có 22 hộ hiến đất làm đường giao thông nông  thôn với tổng chiều dài gần 1.000m, ước tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Ấp Sóc Chà B thường xuyên kiện toàn các tổ nhân dân tự quản, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Ấp Sóc Chà B được hỗ trợ 4 con bò giúp 4 hộ nghèo với tổng trị giá trên 50 triệu đồng; vận động bà con xây dựng 1 tổ có 12 hộ nuôi ếch thịt với số lượng trên 24 nghìn con và vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ nuôi bò với diện tích 10,2ha, đảm bảo từng bước cải thiện và ổn định cuộc sống... Hiện nay, ấp có 229/295 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa - nông thôn mới”. 

Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là xã có gần 81% đồng bào Khmer sinh sống, từng được các Chương trình 134, 135 hỗ trợ tiền vốn, vật tư để nhân dân ổn định cuộc sống và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trạm, cùng với nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay, nhiều gia đình trong xã đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Chị Thạch Thị Sắc, ở ấp Ba So, xã Nhị Trường sinh ra trong một gia đình nghèo. Chị chỉ có chưa đầy 2 công đất cha mẹ cho khi đi lấy chồng, đủ dựng một túp lều tranh. May mắn đến với gia đình chị Sắc khi được tiếp cận liền 3 chương trình tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cầu Ngang, đó là vay vốn hộ nghèo và vốn xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổng cộng trên 60 triệu đồng. Chị cũng được sự tư vấn của cán bộ tín dụng chính sách và cán bộ khuyến nông huyện để đầu tư nuôi bò, trồng rau màu. Mới sau 3 năm, gia đình chị đã có đàn bò 6 con, 6 vụ rau xanh sạch cho thu nhập khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm.

“Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình làm ra số tiền lớn như vậy. Tất cả nhờ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đấy. Nay gia đình tôi ai cũng phấn khởi, tích cực lao động, gửi trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng hạn. Đón Lễ hội Óoc Om Bóc năm nay cũng vì thế tươi vui, đầy đủ hơn rất nhiều” - Chị Sắc chia sẻ.

g428_17b
Từ mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia đình anh Thạch Xuân Ri, ở ấp Bông Ven, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Phương Nghi

Ông Bùi Văn Cui, Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho biết: Trước đây, Nhị Trường là vùng đất nghèo nhất, nhì của tỉnh Trà Vinh. Từ khi được thụ hưởng từ Chương trình 135 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của Nhị Trường được cải thiện rõ nét, đường giao thông nông thôn ấp liền ấp, trường, trạm, chợ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào, cuộc sống bà con ngày càng khởi sắc.

Đặc biệt, Nhị Trường thực hiện hỗ trợ hộ nghèo theo hướng tập trung nguồn vốn đối với các hộ chí thú làm ăn, tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo bền vững. “Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 8,3% (tiêu chí đa chiều), nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 82%; 99,4% hộ sử dụng điện quốc gia, 96% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; có gần 97% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa và 98,55% người dân có bảo hiểm y tế...” - Ông Cui nói.

Theo ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, đổi thay rõ nhất trong đời sống đồng bào Khmer ở Trà Vinh là những con đường mới được trải nhựa, bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán. Nhà cửa của đồng bào Khmer được xây dựng khang trang, cơ bản không còn nhà tạm như trước đây.

“Đến nay, các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ và có hiệu quả đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như đầu năm 2016, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 22,62% với 19.782 hộ, thì đến cuối năm 2018 giảm còn 11,04% (tương ứng với 10.090 hộ), bình quân mỗi năm giảm 3,86%, tương đương 3.230 hộ” - Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO