Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 01:45 GMT+7

Phum, sóc miền núi Tịnh Biên rộn ràng đón Lễ Sen Đônta

Biên phòng - Từ ngày 16 đến ngày 18-9 (ngày 29 tháng 7 đến mùng 2 tháng 8 âm lịch), khắp các phum, sóc huyện miền núi Tịnh Biên, tỉnh An Giang lại rộn ràng tổ chức Lễ Sen Đônta của đồng bào Khmer (lễ cúng ông bà). Lễ Sen Đônta có ý nghĩa gần giống với lễ Vu Lan báo hiếu của người Kinh, được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng, cầu phước cho những người đã khuất và tri ân tổ tiên phù hộ cho xóm làng an vui, đầm ấm.

Đông đảo bà con Khmer các phum, sóc huyện miền núi Tịnh Biên rộn ràng đón mừng Lễ Sen Đônta. Ảnh: Uyên Phương

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Tịnh Biên luôn quan tâm tới các hoạt động của Lễ Sen Đônta. Vì vậy, lễ của đồng bào Khmer Tịnh Biên được tổ chức ngày càng ấm cúng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện, nhiều hoạt động thăm hỏi bà con dân tộc Khmer, tặng quà tại các chùa Khmer được thực hiện thường xuyên, qua đó, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của đồng bào Khmer tại các phum, sóc để có hướng giải quyết, hỗ trợ và giúp đỡ bà con được kịp thời tốt hơn.

Nếu như năm 2010, Tịnh Biên có 6.768 hộ nghèo (chiếm 22,92%) thì nay còn 2.392 hộ (chiếm 7,92%), riêng đồng bào Khmer, hộ nghèo giảm còn 4,75%. Có được kết quả trên là nhờ Tịnh Biên đã thực hiện các chính sách giảm nghèo của Nhà nước có hiệu quả. Chỉ riêng giai đoạn 2, Chương trình 135 của Chính phủ, Tịnh Biên đã được đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường: Ô Tà Bang (xã An Phú), Xóm Mới (thị trấn Tịnh Biên), Lộ bờ Tây Kênh 3/2 (xã An Nông), ấp Srây Skốth (xã Văn Giáo)...

Ngoài việc xây nhà theo Chương trình 134 và 135, Tịnh Biên sửa chữa và xây mới 238 căn nhà “Đại đoàn kết”, trị giá trên 4,8 tỷ đồng, dạy nghề cho hơn 8.000 lao động và giới thiệu việc làm cho hơn 34.470 người. Nhờ đó, Tịnh Biên đã căn bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, góp phần nâng cao đời sống đồng bào Khmer và sinh hoạt trong các phum, sóc luôn được cải thiện đáng kể.

Trong những năm gần đây, bằng các chương trình, dự án của Chính phủ và tỉnh An Giang đầu tư phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tịnh Biên có nhiều cụm, tuyến dân cư được chỉnh trang và hình thành mới. Ông Chau Dách, ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên vui mừng nói: “Đó là cơ sở để phát triển tuyến đường dây điện thắp sáng và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt. Đồng bào Khmer ở vùng sâu, khu vực hẻo lánh rất phấn khởi, bởi được Đảng và Nhà nước quan tâm, cùng chung tay xây dựng xóm, ấp và phum, sóc ngày càng tiến bộ”.

Khi về các phum, sóc và các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer ở Tịnh Biên vào những ngày Lễ Sen Đônta, ai ai cũng cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp, đầm ấm khi người Khmer tất bật chuẩn bị vật phẩm dâng lễ, cúng chùa. Tại chùa Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên trong những ngày này thật đông đúc, bà con trong các phum, sóc tề tựu về đây để đón mùa Sen Đônta. Trao đổi với chúng tôi, Hòa thượng Chau Cắt, Sãi Cả chùa Mỹ Á bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đối với bà con dân tộc Khmer.

Nhờ đó, bà con làm được mùa, con cháu thì đều được học hành đàng hoàng. Nhờ xây dựng nông thôn mới mà đường lộ sạch sẽ, bà con đi lại thuận tiện. “Giờ đây, đời sống của đồng bào Khmer ở Tịnh Biên ngày càng khấm khá, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer nơi đây biết trồng cây màu chuyên canh, làm lúa 2 vụ và 3 vụ nên không còn sợ đói như trước, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Lễ Sen Đônta năm nay, nhà nào cũng vui vẻ, đủ đầy” – Hòa thượng Chau Cắt chia sẻ.

Ngoài ý nghĩa thể hiện sự kính trọng với nhà chùa, đông đảo phật tử thành kính mang lễ vật vào chùa dâng lên các vị sư sãi, nhờ các sư tụng kinh cầu siêu cho tổ tiên, những người đã khuất và cầu mong gia đình bình an, phum, sóc thịnh vượng. “Mỗi dịp Sen Đônta hằng năm, tôi luôn nhắc nhở con cháu làm ăn xa cố gắng thu xếp về quê nhà để làm tròn bổn phận. Từ việc dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị các mâm cơm, bánh trái để cúng, chúng tôi muốn các thành viên trong gia đình phải luôn ghi nhớ công ơn của tổ tiên và những người có công với phum, sóc. Qua đó, thêm yêu quý nguồn cội và ra sức gìn giữ những nét đẹp văn hóa của lễ hội này” – Ông Châu Sinh, ở ấp Voi 1, xã Núi Voi chia sẻ.

Đến thời điểm này, giao thông giữa các phum, sóc và miền núi huyện Tịnh Biên được tập trung triển khai thực hiện, lồng ghép với các chương trình, dự án của tỉnh và của Chính phủ. Các tuyến đường giao thông đã nối liền các ấp, xã, thị trấn, tạo thuận lợi đi lại dễ dàng, hàng hóa vận chuyển lưu thông, rút ngắn khoảng cách giữa các xã và thị trấn, để bà con phát triển kinh tế, làm nền tảng giảm nghèo.

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho phụ nữ Khmer nghèo, chị Nèang Kha Diêu, ở ấp Phú Nhứt, xã An Phú, huyện Tịnh Biên phát triển nghề nấu đường thốt nốt truyền thống, mang lại thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Ảnh: Uyên Phương

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết, hiện nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân cũng đã được khắc phục. Cùng với nước sinh hoạt, số hộ Khmer sử dụng điện đạt hơn 90%. Đi đôi với phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, Tịnh Biên quan tâm chăm lo sinh hoạt tinh thần cho đồng bào Khmer ở các phum, sóc. Toàn huyện có 25 ngôi chùa Khmer (riêng xã An Cư có 11 ngôi chùa), những ngôi chùa này đều được trùng tu khang trang và thu hút đồng bào đến cúng, viếng ngày càng đông. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao gắn liền với lễ hội thường niên. Đến nay, Tịnh Biên có 29.265 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” (chiếm 96,9%), các khóm và ấp có đông đồng bào Khmer đều đạt chuẩn “khóm, ấp văn hóa”.

Lễ Sen Đônta không chỉ để tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên, ông bà mà còn tạo nên nếp sống lành mạnh trong sinh hoạt, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Khmer. Năm nay, lễ được diễn ra trên tinh thần tiết kiệm, tinh gọn do đời sống phật tử còn khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hoạt động của Lễ Sen Đônta vẫn thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

Uyên Phương

Bình luận

ZALO