Biên phòng - Ngoài thông lệ thiếu hụt lao động dịp trước và sau Tết Nguyên đán diễn ra hàng năm, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam.
Thống kê đến hết năm 2021, khoảng 2,2 triệu người lao động tại các thành phố lớn đã hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài. Dù Chính phủ đã ban hành chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng, chống Covid-19, vừa phục hồi, vừa phát triển kinh tế-xã hội, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn với gần 1,5 triệu người thiếu việc làm, 1,6 triệu người lao động trong độ tuổi thất nghiệp.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là những ngành nghề cần nhiều lao động như dệt may, da giày, thương mại điện tử, bán lẻ... lại đang diễn ra trầm trọng khiến nhiều doanh nghiệp không thể tăng công suất khi sản xuất được phục hồi mạnh mẽ.
Qua khảo sát, hiện, các doanh nghiệp mới chỉ hoạt động ở mức 75% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát khi phần lớn lao động nghỉ việc do Covid-19 “không muốn tìm việc” thời điểm này. Hiện, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 nghìn người. Song có tới 55% số người lao động chưa xác định được thời điểm sẽ quay trở lại các đô thị, các khu công nghiệp làm việc bởi lo ngại dịch bệnh, tính ổn định của công việc.
Các chuyên gia lao động dự báo, cuối quý I, sang đầu quý II-2022, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ thực sự trầm trọng. Thiếu lao động trong khi nhu cầu đơn hàng tăng cao là điểm vênh trong tuyển dụng lao động năm nay.
Thực tế thị trường lao động đang có một nghịch lý là trong khi 30% doanh nghiệp đang hoạt động không thể tuyển dụng được lao động thì có tới 41% số người mất việc không tìm được việc. Điều này cho thấy sự thiếu chủ động của người lao động và “khoảng trống” trong công tác tuyển dụng lao động.
Cơn sốt lao động, việc làm không chỉ là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp, mà của cả người lao động. Một số doanh nghiệp đã thực thi nhiều chính sách để giữ chân, thu hút người lao động, cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp. Song nhiều chuyên gia cho rằng, không nên chỉ dồn hết trách nhiệm cho doanh nghiệp, bởi một mình doanh nghiệp rất khó đảm đương việc phục hồi sản xuất, ổn định lực lượng lao động.
Do vậy, việc số hóa thị trường lao động là giải pháp lâu dài, trong đó, công tác kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Đối với các địa phương, ngành nghề có nhu cầu lao động cần có thông tin dữ liệu đầy đủ về ngành, nghề có nhu cầu lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương, thu nhập...
Còn các địa phương dôi dư lao động cần nắm bắt thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, mức độ sẵn sàng quay trở lại làm việc cũng như các yêu cầu đối với công việc. Ngoài ra, cần tăng cường các sàn giao dịch việc làm liên vùng để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc với các ứng viên vào các vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng.
Trên cơ sở kết nối thị trường lao động, các địa phương, doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để đưa người lao động quay trở lại làm việc, đồng thời tổ chức kiểm soát hạn chế lây lan dịch bệnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội, một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ trực tiếp người lao động (nhu yếu phẩm, đi lại, chi phí sinh hoạt, xét nghiệm Covid-19...); hỗ trợ người sử dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; kết nối cung - cầu lao động...
Khi sự thiếu hụt lao động được các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực cải thiện, cùng sự chung tay về chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài, việc thiếu hụt lao động cục bộ sẽ được giảm thiểu ngay từ những tháng đầu năm nay.
Thanh Thảo