Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 01:52 GMT+7

Phú Yên: Tập trung xử lý tình trạng tôm hùm chết hàng loạt trên vịnh Xuân Đài

Biên phòng - Ngày 2-6, tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo để thông tin về tình hình và phương án giải quyết tình trạng tôm hùm chết hàng loạt đang xảy ra tại vùng nuôi tôm hùm trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

sj8eghcuyi-62778_18365832521653154718_2
Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phạm Kiên thông tin việc xử lý tình trạng tôm hùm chết hàng loạt. Ảnh: Phương Oanh

Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, từ ngày 24-5 đến nay, tại vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu đã có 769.175 con tôm hùm bị chết (cả tôm hùm thương phẩm và tôm hùm giống). Trọng điểm thiệt hại là xã Xuân Phương và phường Xuân Uyên (thị xã Sông Cầu) với 502 hộ nuôi, có từ 350 đến 400 tấn tôm chết, thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng. Hầu hết bà con nuôi tôm hùm ở đây đều rơi vào cảnh trắng tay, đang bị áp lực lớn về nợ nần.

Kết luận ban đầu về tình trạng tôm hùm chết hàng loạt tại vùng nuôi ở thị xã Sông Cầu, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên cho biết, nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt do mật độ nuôi quá dày, cả về lượng lồng nuôi và số con/lồng.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra là 150 - 300 con/lồng (tôm hùm xanh) và 70 - 75 con/lồng (tôm hùm bông), trong khi mật độ nuôi cho phép chỉ từ 30 đến 60 con/một lồng. Mặt khác, nước vùng nuôi đang bị ô nhiễm nặng do thức ăn tôm dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ.

Một nguyên khác là gần đây, mưa giông đột ngột, nắng nóng kéo dài làm tảo phát triển quá mức ở tầng đáy, gây thiếu oxy cục bộ vào ban đêm, thủy sản bị chết ngạt. “Tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường nước, khi tôm yếu sức thì bệnh dễ dàng xâm nhập, làm chết nhanh hơn”- ông Phương nói.

Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết thêm, do nghi ngờ nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu xả thải ra vịnh Xuân Đài gây ô nhiễm nguồn nước, khiến tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt, những ngày qua, hàng trăm người dân địa phương đã kéo đến bao vây cơ sở chế biến thủy sản của Công ty này tại xã Xuân Phương để phản ứng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ sở để khẳng định tôm chết do nhà máy thủy sản này xả thải. Việc kiểm nghiệm mẫu nước đã được tiến hành nhưng chưa có kết quả, cần có thời gian để đưa ra kết luận chính xác nhất. “Bên cạnh tập trung điều tra, giải quyết rốt ráo các bức xúc đề đạt của của người dân, chính quyền đã chỉ đạo các ban ngành, lực lượng tại địa phương tích cực tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân bình tĩnh khắc phục hậu quả, sớm khôi phục lại vùng nuôi”- Ông Kiên nói.

Liên quan đến việc dân nghi ngờ nhà máy chế biến thủy sản của Công ty Nguyễn Hưng xả thải làm ô nhiễm nguồn nước, bà Lê Đào Anh Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Hưng tại xã Xuân Phương hiện có 2 ống xả thải ra biển, một ống đã được cấp phép, còn 1 ống dự phòng.

Cách đây 2 tháng, hệ thống xử lý nước thải nhà máy này đã gặp sự cố nên toàn bộ nước thải đã được cho hút vào xe bồn rồi vận chuyển sang một nhà máy khác của công ty tại xã Xuân Cảnh để xử lý. Song, việc thay đổi phương án xử lý này chưa được Công ty Nguyễn Hưng báo cáo với cơ quan chức năng.

iuvf4qgc2j-62778_1904842982085320363_3
Người dân xã Xuân Phương vớt tôm hùm chết bán để gỡ bớt nợ nần. Ảnh: Phương Oanh

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để tháo gỡ khó khăn hiện nay, tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho người nông dân nuôi tôm hùm bị thiệt hại đồng thời nhờ sự trợ giúp chuyên môn sâu từ ngành chuyên môn của Bộ NN&PTNT trong việc xử lý vùng nuôi. Về lâu dài, ngành chức năng của tỉnh đã tiếp cận phương cách chuyển nuôi tôm hùm dưới nước lên khoanh vùng nuôi trên bờ nhằm cô lập nguồn lây nhiễm; lập các tổ tự quản, tổ sản xuất để người dân tự kiểm soát nhau, triển khai quy hoạch chi tiết tổ chức vùng nuôi an toàn.

Về giải pháp hỗ trợ người dân trong xử lý nợ, tái đầu tư sản xuất, ông Trần Hữu Thế cho biết thêm, hiện nay các ngân hàng đã chủ động rà soát, phân lọc các đối tượng khác nhau để có chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp. Sắp tới, trong quá trình cho vay tái sản xuất, người dân cũng phải cam kết thực hiện đúng quy trình nuôi an toàn đồng thời ngân hàng sẽ tham gia giám sát việc nuôi an toàn đối với khách hàng của mình.

Cùng ngày, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước tại các vùng nuôi bị chết hàng loạt để xác định nguyên nhân tôm chết.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO