Biên phòng - Sáng 4-3, tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”; đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia “Địa điểm diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên” và khánh thành cụm đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, đã ôn lại thời khắc lịch sử diễn ra cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” cách đây tròn 50 năm. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Phú Yên có mật danh là T25 do đồng chí Lư Giang, Tư lệnh Phân khu Nam thuộc Quân khu V làm Tư lệnh; đồng chí Trần Suyền, Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm Chính ủy để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng, với sự tham của các lực lượng vũ trang là Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), Tiểu đoàn 14 đặc công thuộc Phân khu Nam (Khu V), Tiểu đoàn Bộ binh 85, Đại đội đặc công 202...
Nhận được mật lệnh, đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), lực lượng vũ trang cách mạng tiến công vào thị xã Tuy Hòa lần thứ nhất. Đại đội 202 chia làm nhiều mũi đồng loạt nổ súng tấn công vào các vị trí đóng quân của Trung đoàn 47 ngụy, khu cố vấn Mỹ trong thị xã. Cùng thời gian trên, Trung đội Quyết thắng đánh vào Ty cảnh sát ngụy, khống chế các mục tiêu trọng yếu, Tiểu đoàn 12 nổ súng tấn công vào sân bay Khu Chiến, phá hủy nhiều máy bay và phương tiện chiến tranh của địch, làm chủ gần hết sân bay; đánh sập lô cốt nhà lao, giải thoát khoảng 50 cán bộ của ta đang bị địch giam giữ tại đây.
Sau thời gian đầu bị bất ngờ, địch điều động lực lượng tổ chức phản kích, huy động pháo binh, Lữ đoàn dù 173, máy bay trực thăng vũ trang, tăng cường bom, đạn pháo hủy diệt và bộ binh đánh tổng lực vào đội hình ta. Lực lượng ta đã bám trụ trận địa, đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch. Sau nhiều ngày giằng co giữa ta và địch, đêm ngày 3 rạng ngày 4-3-1968 (nhằm ngày 5-2 âm lịch), thực hiện quyết tâm của Đảng ủy Phân khu Nam và Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, quân và dân Phú Yên tổ chức tiến công và nổi dậy lần thứ hai đánh vào thị xã Tuy Hòa và các quận lỵ, chi khu.
Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, các mũi xung kích của ta xông lên dùng bộc phá phá rào, địch dùng hỏa lực từ các lô cốt bắn ra dữ dội, ta bị thương vong nhiều, không tiến được vào bên trong tuyến phòng thủ của địch. Trời sáng, các trận địa pháo của địch ở gò Đá, núi Nhạn bắn cấp tập vào đội hình ta, ta phải lui theo đường xóm Chùa về bám trụ ở Sở chỉ huy tại Ninh Tịnh.
Trong ngày 4-3-1968, Bộ binh địch bắt đầu mở nhiều đợt tiến công kết hợp với xe tăng hàng chục tốp máy bay phản lực thay nhau ném hàng trăm quả bom hạng nặng, bom na-pan, bom bi xuống trận địa ta tại Ninh Tịnh thiêu hủy và san bằng toàn bộ nhà cửa của nhân dân xóm Chùa. Cán bộ, chiến sĩ của ta chiến đấu vô cùng dũng cảm, có trung đội chỉ còn một người vẫn tiếp tục chiến đấu giữ trận địa. Đến 14 giờ, hầm của Sở chỉ huy bị trúng bom, đồng chí Nguyễn Tất Liêu, Tỉnh đội trưởng và đồng chí Đỗ Văn Khánh, Chính trị viên phó Tỉnh đội hy sinh. Trận địa của các đơn vị chiến đấu cũng bị trúng bom, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong.
Vị trí diễn ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại Phú Yên hiện nay thuộc phường 8, thành phố Tuy Hòa.
Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, UBND tỉnh Phú Yên đã lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận “Địa điểm diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên” là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Để ghi nhớ công lao to lớn của những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng cụm công viên tượng đài kỷ niệm “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” với diện tích hơn 7.000m2; tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Công trình bao gồm các hạng mục như: đài tưởng niệm, nhà hành lễ và các khu vực phụ trợ…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà nhấn mạnh, “Cụm công viên, Đài Tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là công trình không chỉ có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên, mà còn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968..."

Cùng với lễ kỷ niệm và đón bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong chương trình Kỷ niệm 50 năm “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, các diễn viên Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển phối hợp Trung tâm hoạt động nghệ thuật biểu diễn tỉnh Hải Dương (tỉnh kết nghĩa với Phú Yên và là địa phương có nhiều liệt sĩ chiến đấu và hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy) biểu diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tự hào Xuân 1968”. Đây là những tiết mục ca, múa nhạc được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh cuộc chiến năm xưa với những người lính anh dũng, kiên trung và nghĩa tình quân dân thắm thiết trên vùng đất Phú Yên.
Phương Oanh