Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

Phụ nữ, trẻ em vùng cao - “đích ngắm” của bọn buôn người

Biên phòng - Với hàng loạt thủ đoạn vô nhân đạo cùng những lời dụ dỗ ngon ngọt của bọn buôn người đã khiến cho không ít phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang rơi vào “bẫy” của chúng. Nhiều vụ án xảy ra là bài học cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ, cả tin và mất cảnh giác.

tv7b_21a
Anh Thào Chờ Giáo (ngồi giữa) kể về quá trình con gái anh bị đối tượng người Trung Quốc bắt cóc. Ảnh: Lê Đồng

Cảnh giác cao với tội phạm mua bán người

Vào những ngày trung tuần tháng 7-2017, Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang nhận được tin báo ở khu vực chợ biên giới thuộc xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang có một người đàn ông Trung Quốc đưa một bé gái hướng về khu vực cột mốc 359 để sang Trung Quốc. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Bạch Đích đã triển khai đội công tác nhanh chóng cơ động đến hiện trường, đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức truy đuổi. Khoảng 19 giờ 50 phút, ngày 14-7-2017, đội công tác đã áp sát và bắt gọn đối tượng Cổ Văn Hòa, SN 1988, trú tại xóm Giả Âm, thôn Sàng Thèn, huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi đang đưa cháu Thào Thị Páo, SN 2013, là con của anh Thào Chờ Giáo, trú tại thôn Sủng Lìn, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang ra biên giới để đưa sang Trung Quốc.

Khai thác nhanh, đối tượng Hòa khai nhận, vào khoảng 18 giờ, ngày 14-7, Hòa sang Việt Nam đi chợ rồi vào quán ăn. Tại đây, Hòa gặp anh Thào Chờ Giáo và cháu Thào Thị Páo đang ngồi ăn trong quán. Lúc này, Hòa nảy sinh ý định bắt cóc cháu bé mang sang Trung Quốc bán. Nhân lúc anh Thào Chờ Giáo mất cảnh giác, Hòa đã dụ dỗ cháu bé đi mua kẹo rồi bế cháu ra biên giới để đưa sang Trung Quốc.

Một vụ việc khác cũng xảy ra vào tháng 7-2017, đó là trường hợp của chị Vừ Thị C, trú tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chị đã bị chính mẹ ruột và chị gái lừa bán sang Trung Quốc dưới “vỏ bọc” giới thiệu việc làm nông nhàn cho thu nhập cao. Với bản tính thật thà, chị C không hề ngờ vực và gật đầu nghe theo, để lại đứa con đầu lòng cho chồng ở nhà chăm sóc. 

Mẹ con chị khăn gói lên khu vực biên giới để vượt biên sang Trung Quốc. Sau hơn một ngày vượt núi băng đèo, cuối cùng “miền đất hứa” cũng đã hiện ra trước mặt. Tại đây, chị C phải chứng kiến một sự thật đau lòng khi biết mẹ và chị gái đã nhẫn tâm bán mình cho một người đàn ông Trung Quốc. 

b138_21b
Cán bộ Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho nhân dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Tại Trung Quốc, chị C làm việc vất vả, khổ cực, thường xuyên bị “chồng hờ” đánh đập, sống không bằng chết. Ở đây một thời gian ngắn thì chị lại bị “sang nhượng” cho một người đàn ông khác. Tủi hờn, nhục nhã cộng với công việc vất vả, nhưng không còn cách nào khác nên chị đành “cắn răng” chịu đựng chờ cơ hội giải thoát cho mình. Sau hơn 1 năm, cơ hội trốn thoát cũng đã đến, trong một lần nói dối “chồng hờ” đi cắt cỏ, chị đã tìm đường lên rừng để trốn về Việt Nam.

Về đoàn tụ cùng với chồng con, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của một người phụ nữ bị chính người thân của mình lừa bán vẫn đau đáu nỗi oán hận, cam chịu mà không thể nói ra.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Những vụ mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối và vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Phần lớn các đối tượng mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới thường để làm “nô lệ tình dục” và lao động “khổ sai”. Đau lòng hơn, trong số các phụ nữ, trẻ em bị mua bán, có nhiều nạn nhân bị chính người thân của mình coi như “món hàng” trao đổi.

Thượng tá Nguyễn Đắc Lan, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Giang cho biết: “Từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng ở địa bàn trong và ngoài biên giới thường xuyên cấu kết với nhau hình thành các đường dây dụ dỗ, bắt cóc phụ nữ, trẻ em Việt Nam để đưa sang Trung Quốc. Các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em không có công ăn việc làm ổn định. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị BĐBP Hà Giang đã xác minh, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 9 vụ/4 đối tượng, giải cứu 6 phụ nữ. Ngoài ra, có 1 phụ nữ và 1 trẻ em tìm cách trở về Việt Nam sau khi rơi vào “cạm bẫy” buôn người”.

Theo Thượng tá Nguyễn Đắc Lan, để góp phần hạn chế vấn nạn mua bán người, các lực lượng chức năng cần ra quân một cách quyết liệt, mạnh mẽ; kết nối chặt chẽ, thông suốt giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài nước, từ việc trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh và đấu tranh ngăn chặn... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng ngay tại cơ sở, tại các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về nạn mua bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, nhằm lật tẩy các chiêu thức, thủ đoạn của loại tội phạm này.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO