Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:25 GMT+7

Phụ nữ BĐBP ngày càng khẳng định vai trò, vị thế

Biên phòng - Phong trào phụ nữ BĐBP 5 năm qua đã có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ANBG và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Hướng tới Đại hội đại biểu phụ nữ BĐBP lần thứ IV (nhiệm kỳ 2011 - 2016), để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ BĐBP, phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Lê Thái Ngọc, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị BĐBP.

750DSC_0075.jpg
 
Đại tá Lê Thái Ngọc.
- P.V: Thưa đồng chí, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ trong BĐBP 5 năm qua (2006-2011) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh nữ quân nhân biên phòng. Đề nghị đồng chí chia sẻ với bạn đọc báo Biên phòng những thành tích đó?

- Đại tá Lê Thái Ngọc: Phụ nữ trong BĐBP chỉ chiếm 3,5% quân số toàn lực lượng, nhưng đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác đa dạng: Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, làm nghề báo, điện ảnh, hoạt động văn hóa nghệ thuật, bác sĩ, y tá, văn thư, nuôi quân, kỹ sư, công nhân lao động trực tiếp ở các kho, xưởng...

Nhiều chị em hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người... Ở vị trí công tác nào, chị em đều phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, trau dồi bản lĩnh chính trị, cập nhật thông tin và tiếp cận tri thức mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong gia đình, với chức năng người vợ, người mẹ, phụ nữ BĐBP đã chăm lo xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con cái học giỏi, tiến bộ và trưởng thành. Trong công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, chị em đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, nhiều chị được tín nhiệm tham gia cấp ủy, chỉ huy các cấp, nâng tỷ lệ nữ lãnh đạo lên 0,82%; nhiều chị trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú, lao động giỏi; 156 chị được kết nạp vào Đảng. Bên cạnh đó, phụ nữ BĐBP còn tham gia tốt các hoạt động từ thiện xã hội, giúp nhau vượt nghèo, vượt khó, quyên góp tiền ủng hộ trẻ em bị chất độc da cam, trẻ em nơi biên giới, phong trào nuôi heo đất ủng hộ các cháu con cán bộ khó khăn, xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, tượng đài Phụ nữ Nam bộ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, hướng về biên giới, biển đảo.

Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ trong BĐBP đã tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả các phong trào như: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”, “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”, “Mười xây, mười chống”, “Tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “5 không, 3 sạch”..., xây dựng gia đình hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, không có trường hợp nào con em hư hỏng, nghiện ngập, bỏ học. Đặc biệt, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ của BĐBP ở 44 tỉnh, thành luôn có sự gắn bó chặt chẽ với phong trào phụ nữ của địa phương, góp phần làm cho phong trào phụ nữ địa phương có thêm nhiều hoạt động phong phú, như chương trình “Áo ấm cho chiến sĩ”, “Quà tết cho đồng bào nghèo trên biên giới”.

Tổng kết phong trào phụ nữ 5 năm (2006-2010), đã có 10 tập thể và 76 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP; 10 tập thể được tặng Giấy khen của Cục Chính trị và nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được các cấp khen thưởng...

- P.V: Trong mỗi bước đường trưởng thành của các tổ chức Hội, đều có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng và cơ quan chính trị các cấp trong BĐBP. Điều đó được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Đại tá Lê Thái Ngọc: 5 năm qua, Đảng ủy BĐBP, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị đã có nhiều chủ trương, biện pháp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ. Sau nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy các cấp đã có nghị quyết lãnh đạo công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ, thông qua các chương trình hành động cho các cấp Hội phụ nữ để hoạt động của phụ nữ BĐBP vừa thực hiện chức năng hoạt động của giới, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ cấu đại diện BCH Hội phụ nữ tham gia Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng nâng bậc lương... và tham gia bàn bạc các vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, qua đó đã phát huy được vai trò của tổ chức Hội trong tham gia xây dựng và quản lý đơn vị, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ.

Bên cạnh đó, công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” cũng được Đảng ủy BĐBP quan tâm lãnh đạo làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp về vai trò vị trí của phụ nữ, qua đó đã tập trung ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho chị em. Kết quả là trong 5 năm, đã có 7 cán bộ nữ được bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo, chỉ huy các cấp, 14 chị được đào tạo sau đại học (tăng 6 chị so với nhiệm kỳ trước), 216 chị học đại học và cao đẳng (tăng 20 chị so với nhiệm kỳ trước) và đặc biệt, đã có 1 nữ tiến sĩ đầu tiên của lực lượng.

-P.V: Để tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ, chủ trương, giải pháp của Đảng ủy BĐBP trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

- Đại tá Lê Thái Ngọc: 5 năm tới, Đảng ủy BĐBP tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ trong BĐBP theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW (khoá X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về giới và tạo điều kiện cho chị em phấn đấu vươn lên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những nội dung, giải pháp lớn được đặt ra là: 1. Củng cố, xây dựng tổ chức Hội ở các cấp vững mạnh, hoạt động đậm màu sắc của giới; 2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cho chị em; tổ chức các phong trào hành động thiết thực gắn với xây dựng Hội vững mạnh và hướng ra biên giới, biển, đảo; xây dựng phong trào học tập, tiến bộ trong từng tổ chức Hội và từng hội viên; 3.

Quan tâm lãnh đạo công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi để chị em công tác, hoạt động hiệu quả; chăm lo sức khoẻ và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; 4. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và của toàn đơn vị về bình đẳng giới, chống tư tưởng kỳ thị, coi thường phụ nữ, bạo hành dưới mọi hình thức với phụ nữ ở trong gia đình và ngoài xã hội; 5. Gắn các hoạt động và phong trào phụ nữ BĐBP với phong trào thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động của đơn vị (Thực hiện sâu CVĐ “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”), với phong trào của các tổ chức quần chúng, phong trào phụ nữ của toàn quân, của từng địa phương và của cả nước. 

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí.

Hương Mai (Thực hiện)

Bình luận

ZALO