Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Phụ nữ BĐBP giúp nhân dân ở khu vực biên giới bằng nhiều cách làm hay

Biên phòng - Dịch Covid-19 đã làm nhiều người dân, đặc biệt người nghèo ở khu vực biên giới rơi vào cảnh khốn cùng. Trong những lúc bà con khó khăn nhất, luôn có những “bông hồng xanh” BĐBP hỗ trợ, giúp đỡ bằng những cách làm hay, mô hình sáng tạo, hoạt động hiệu quả trong công tác hội. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của lực lượng, xây dựng biên cương giàu đẹp và tô thắm thêm hình ảnh phụ nữ Quân đội “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP Kon Tum tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho phụ nữ xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Như Hoa

Hiện nay, BĐBP có 68 Hội Phụ nữ cơ sở (PNCS), với 1.161 hội viên tham gia. Các Hội PNCS đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tình hình địa phương nơi đóng quân, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Trong đó, nổi bật là hưởng ứng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và phong trào “BĐBP chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các Hội PNCS đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên và phụ nữ nghèo biên giới tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; vận động hỗ trợ kinh phí mua cây, con giống, phân bón..., giúp phụ nữ nghèo vùng biên từng bước vươn lên, làm chủ cuộc sống, đặc biệt là, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.

Tiêu biểu là mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo biên cương” của Hội PNCS BĐBP Điện Biên. Mỗi cán bộ, hội viên tiết kiệm từ 1 nghìn đến 2 nghìn đồng/ngày, thu gom đồ phế thải như chai nhựa, giấy để bán lấy tiền nuôi lợn đất. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được không chỉ hội viên phụ nữ mà cả cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên cùng tham gia. Từ năm 2018 đến nay, từ mô hình này, Hội đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng để mua lợn giống, sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và quà chuyển đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Hay mô hình “Nuôi dê gây quỹ” là tâm huyết của Hội PNCS BĐBP Thừa Thiên Huế. Từ nguồn vốn hằng năm thu được thông qua mô hình “Heo đất tiết kiệm”, Hội đã đầu tư kinh phí mua dê giống và phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cùng phát triển số lượng đàn dê. Sau khi dê phát triển và sinh sản, Hội sử dụng dê con để hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, còn có các mô hình: “Chăn nuôi bò giống hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số” của Hội PNCS BĐBP Kon Tum; “Vì trẻ em nghèo nơi biên giới”, “Trung thu cho em” của Hội PNCS Cục Chính trị BĐBP; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh”, “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch”, Hợp tác xã “Phụ nữ với ngành nghề truyền thống” của Hội PNCS BĐBP Đắk Lắk...

Không chỉ đồng hành cùng phụ nữ ở khu vực biên giới, phụ nữ BĐBP còn chia sẻ cùng đồng đội, như mô hình “Tiếp lửa yêu thương” của Hội PNCS BĐBP Hà Tĩnh. Từ năm 2015 đến nay, Hội PNCS BĐBP Hà Tĩnh đã đỡ đầu và hỗ trợ cho 17 cháu học giỏi có hoàn cảnh khó khăn (là con quân nhân BĐBP đã từ trần, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng, được trích từ quỹ Hội, tiền tiết kiệm của cán bộ trong đơn vị. Bên cạnh đó, với phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, hầu hết các Hội PNCS đều duy trì các tổ, nhóm góp vốn, cho vay không lãi, giúp chị em có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình và gây quỹ Hội.

Phụ nữ BĐBP cũng đã tham gia xây dựng các quỹ của BĐBP như: “Ngày vì người nghèo”, “Quỹ hiếm muộn”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”... Đặc biệt, với “Quỹ hiếm muộn” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, ngoài việc đóng góp kinh phí xây dựng quỹ, cán bộ, hội viên phụ nữ còn tư vấn, thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần những gia đình quân nhân hiếm muộn, nhất là đối với nữ quân nhân hiếm muộn... Những hoạt động tình nghĩa ấy đã trở thành chất keo kết dính, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên yên tâm, gắn bó, đề cao trách nhiệm trong xây dựng gia đình, đơn vị và tổ chức Hội.

Bên cạnh đó, các Hội PNCS cũng phát huy vai trò trách nhiệm, sáng tạo và xây dựng những mô hình, cách làm hay, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đó là, mô hình “Làm theo” của Hội PNCS BĐBP An Giang để triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi cán bộ Hội đăng ký thực hiện từ 1-2 việc làm theo Bác gắn với nhiệm vụ được giao. Hay mô hình “Nữ chiến sĩ tuyên truyền văn hóa giỏi” của Hội PNCS BĐBP Quảng Ninh, Nghệ An; “Vườn rau xanh”, “Toàn hội nuôi lợn tiết kiệm” của Trường Trung cấp Biên phòng 1...

Ngoài tham gia nhiệm vụ thường xuyên, phụ nữ BĐBP còn tiếp lửa cho lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Các hội viên phụ nữ là quân y đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng làm nhiệm vụ trên các tổ, chốt, khu cách ly, thường xuyên triển khai mọi biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho các cơ quan, đơn vị. Cũng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hàng trăm hội viên phụ nữ có chồng làm nhiệm vụ tại các tổ, chốt, các đồn Biên phòng luôn đảm đang việc nhà, việc đơn vị, chăm lo gia đình, con cái, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để chồng yên tâm công tác. Rất nhiều Hội PNCS tổ chức pha chế dung dịch sát khuẩn, làm tấm chắn giọt bắn gửi tặng các đồng đội làm nhiệm vụ trên tuyến đầu; hay có nhiều hội viên sáng tác các bài hát, tổ chức thu thanh, ghi hình các ca khúc cổ vũ lực lượng phòng chống dịch, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo cộng đồng xã hội đồng tình, hưởng ứng.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Như Hoa, Chủ tịch Hội PNCS BĐBP Kon Tum, cho biết: “Đảng ủy, Bộ Chỉ huy, cơ quan chính trị, các phòng, văn phòng trong BĐBP Kon Tum luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia học tập, công tác và tổ chức thực hiện tốt hoạt động Hội và các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động. Qua đó, Hội phụ nữ BĐBP Kon Tum đã duy trì tốt các mô hình như: “Thu gom giấy, báo cũ”, “Dọn vệ sinh ngoài giờ”, “Góp vốn xoay vòng”. Trong đó, mô hình “Góp vốn xoay vòng” là điểm nhấn trong hoạt động hội. Với số tiền 100 nghìn đồng/hội viên/tháng, số tiền cuối kỳ là 20,4 triệu đồng đã giúp đỡ được 17 lượt cán bộ, hội viên cải thiện nâng cao cuộc sống gia đình”.

Những kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu, vươn lên của phụ nữ BĐBP, làm sáng ngời thêm phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, góp phần cùng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO