Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 04:14 GMT+7

Phụ nữ BĐBP chia sẻ từ những đồng cảm

Biên phòng - Phụ nữ trong Quân đội quân số thường rất ít, phụ nữ BĐBP lại càng ít, với khoảng 3% quân số toàn lực lượng. Họ là những “đóa hoa màu xanh mát” làm mềm mại hóa môi trường công tác trong Quân đội, tỏa ngát tấm lòng nhân ái và trách nhiệm. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2018), Trung tá Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng ban Phụ nữ BĐBP dành cho Báo Biên phòng một cuộc trò chuyện để chia sẻ về những đóng góp không nhỏ của phụ nữ BĐBP trong các phong trào hướng về đồng bào biên giới.

6pt5_3a
Trung tá Nguyễn Thị Nguyệt. Ảnh: Thụy Văn

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết những đóng góp của phụ nữ BĐBP trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội... ở khu vực biên giới?

Trung tá Nguyễn Thị Nguyệt: Phụ nữ BĐBP có quân số ít, chủ yếu làm công tác chuyên môn ở cơ quan Bộ Tư lệnh, nhà trường, cơ quan Bộ Chỉ huy các tỉnh, thành phố, ở các vị trí như thông tin, cơ yếu, văn thư bảo mật, tài chính, quân y, hậu cần, văn hóa nghệ thuật, giảng viên, nhân viên kiểm thể... Những công việc này không những đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ, kiên nhẫn, còn yêu cầu phát huy những đặc tính về giới trong thực tiễn công tác.

Dù trên cương vị công tác nào, phụ nữ BĐBP vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, chấp hành nghiêm kỷ luật, đồng thời tích cực trong hoạt động phong trào và công tác xã hội; đặc biệt là những chương trình như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nghĩa tình biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” do lực lượng BĐBP và các cấp Hội Phụ nữ phát động.

Phụ nữ BĐBP cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Tiêu biểu là Hội Phụ nữ Cục Chính trị BĐBP với mô hình “Vì trẻ em nghèo nơi biên giới”, đã quyên góp ủng hộ đồ dùng học tập, chăn ấm, bồn nước sạch... trị giá hàng trăm triệu đồng. Mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh”, “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch”, “Hỗ trợ con giống cho hộ phụ nữ nghèo” của Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP các tỉnh Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Kon Tum... đã giúp đỡ tiền vốn, con giống cho các gia đình phụ nữ khó khăn trên địa bàn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống cho chị em nghèo.

P.V: Được biết, các phong trào này đã được các cấp Hội Phụ nữ BĐBP duy trì nhiều năm qua. Hiệu quả của nó đóng góp vào công tác chăm lo cho đồng bào nơi biên giới, hải đảo, chăm lo sức khỏe toàn dân như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tá Nguyễn Thị Nguyệt: Tôi cho rằng, về mặt vật chất trong công tác an sinh xã hội cho khu vực miền núi, hải đảo, dù giá trị đến đâu cũng không thể bù đắp được những thiếu thốn, khó khăn của chị em ở những nơi này. Hơn thế nữa, các đồn trạm Biên phòng đóng quân ở biên giới, hải đảo là các vọng gác biên cương, đồng thời cũng là mái nhà ấm áp, sẻ chia với đồng bào, nhân dân địa phương. Chúng tôi cũng góp phần cùng với anh em, đồng đội nhân lên những sẻ chia đó. Đặc biệt là đồng cảm về mặt tinh thần, hun đúc thêm ý chí, sự quyết tâm vươn lên để phụ nữ miền núi làm chủ cuộc sống, làm chủ gia đình mình, nuôi dưỡng con cái chu đáo và xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững. Mỗi năm, vào những dịp Trung thu, khai trường và Tết Nguyên đán, chúng tôi tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà, nhất là tổ chức những cuộc liên hoan văn nghệ, Tết Trung thu, Tết Quân dân... mang đến giá trị tinh thần, niềm phấn khởi, nuôi dưỡng giấc mơ cho con trẻ. Trong những dịp đó, phụ nữ BĐBP luôn nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Nâng bước em tới trường”, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, Ngày Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau...

P.V: Đồng chí có thể nói về những việc làm cụ thể của phụ nữ BĐBP chia sẻ với đồng bào nơi biên giới, được thực hiện gần đây nhất?

Trung tá Nguyễn Thị Nguyệt: Vừa qua, nhân dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lịch sử tháng 9-2018. Được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, chúng tôi đã cùng các tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Công đoàn tham mưu cho lãnh đạo Cục Chính trị BĐBP xây dựng kế hoạch tổ chức phát động cán bộ, chiến sĩ khối cơ quan Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc phía Bắc, nòng cốt là đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, đoàn viên công đoàn, vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Chỉ trong vòng 1 tuần, với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, các đơn vị đã quyên góp được gần 14,5 tấn đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm trị giá trên 600 triệu đồng và tổ chức vận chuyển đến tận tay đồng bào một cách nhanh nhất.

aqfh_1a
Chương trình “Heo đất lòng vàng” của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Nam mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn biên giới. Ảnh: Thái Tùng

P.V: Từ thành công này, phụ nữ BĐBP có kế hoạch như thế nào trong việc duy trì, phát triển và mở rộng hoạt động an sinh xã hội trong thời gian sắp tới, thưa đồng chí?

Trung tá Nguyễn Thị Nguyệt: Trong thời gian tới, phụ nữ BĐBP cần quyết tâm và kiên trì hơn để góp phần chăm lo cho đồng bào biên giới, hải đảo. Động lực chính là niềm hạnh phúc từ những chia sẻ, những tấm lòng trao đi yêu thương. Mục tiêu là gần gũi với cơ sở, chia sẻ với đồng bào nơi biên giới, hải đảo.

Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Lá lành đùm lá rách", hằng năm, nhân các ngày lễ, tết, các cấp Hội phụ nữ trong lực lượng đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, các cháu khuyết tật; tổ chức Tết Trung thu, tặng chăn ấm mùa Đông, tặng đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho các em học sinh... Ngoài ra, phụ nữ BĐBP đóng góp đáng kể trong xây dựng các quỹ: "Ngày Vì người nghèo", "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới", "Nâng bước em tới trường".

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thụy Văn (thực hiện)

Bình luận

ZALO