Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 12:17 GMT+7

Phong tục, luật tục ở vùng cao và những góc khuất

Biên phòng - Sau khi vụ "bắt vợ" xảy ra ở Nghệ An gây xôn xao dư luận được vài ngày, ngày 5-2, hình ảnh một bé gái học lớp 9 van khóc, lăn lộn dưới đất hơn 2 giờ đồng hồ tại trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) vì phản đối một gia đình bắt về làm vợ cho con trai của họ xuất hiện trên báo chí lại tiếp tục làm dậy sóng công luận. Sự kiện đau lòng này tiếp tục cho thấy, bản thân phong tục, luật tục không có lỗi mà chính là con người lợi dụng chúng mới "có vấn đề". Vậy phải làm gì để có thể "văn minh hóa" phong tục, luật tục, giúp những giá trị văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trường tồn mãi cùng thời gian?

Bài 2: Làm gì để "văn minh hóa" phong tục, luật tục?

Phong tục, luật tục lạc hậu vẫn còn đất sống

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa DTTS, phong tục, luật tục (hay tập quán pháp) là hiện tượng xã hội phổ quát ở một thời kỳ phát triển tiền công nghiệp còn tồn tại ở những mức độ khác nhau của nhiều tộc người. Về cơ bản, nó là kho tàng tri thức bản địa về ứng xử và quản lý cộng đồng chứa đựng nhiều giá trị thuộc các lĩnh vực khác nhau.

aq8p_19a
Một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng cao Pác Nặm (Bắc Cạn). Ảnh: Hạnh Ngân

Riêng luật tục còn được đánh giá là sự phát triển cao của phong tục tập quán và là bước phát triển sơ khai của luật pháp, vì vậy, nó vừa chứa đựng các yếu tố của phong tục, vừa chứa đựng các yếu tố của luật pháp. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua hình thức truyền miệng (nói vần) hay thành văn bản hoặc đã văn bản hóa và thông qua thực hành xã hội, được cả cộng đồng chấp nhận vì về căn bản, nó đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, được các thành viên thông qua và cam kết thực hiện, ai làm trái sẽ bị xử phạt hoặc bị cộng đồng lên án, tẩy chay. Luật tục ở nước ta hiện tồn tại ở nhiều mức độ, trình độ khác nhau, có sự phát triển cao như hương ước của người Việt, thấp hơn như luật tục của người dân tộc Thái, Mông, Chăm... và có cả những luật tục còn ở mức truyền miệng.

Với cộng đồng của các dân tộc ở Việt Nam trong quá trình phát triển, kể từ khi có giai cấp và Nhà nước, hầu như luật tục và luật pháp đều song song tồn tại, nhưng có xu hướng chung: Luật pháp ngày càng bao trùm, hạn chế vai trò của luật tục. Rất nhiều công trình nghiên cứu cùng các tham luận khoa học tại các hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp bài trừ hủ tục ở vùng miền núi và vùng đồng bào DTTS đã chỉ ra rằng, cho đến nay, phong tục, luật tục vẫn giữ một vai trò đáng kể trong đời sống xã hội ở nhiều vùng nông thôn, miền núi nước ta, đặc biệt là ở các vùng DTTS. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đang góp phần thúc đẩy phát triển xã hội, thì chúng cũng chứa đựng mặt tiêu cực, không phù hợp với xã hội, thậm chí kìm hãm sự tiến bộ của xã hội hiện nay, do vậy, cần có biện pháp loại bỏ.

Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa DTTS, thời gian qua, nhờ chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đến được với các vùng miền núi, vùng DTTS, những hủ tục vốn đã ăn sâu, bén rễ vào các cộng đồng dân cư nơi đây như nạn tảo hôn, kết hôn không giá thú, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức lễ hội tốn kém, người chết để lâu trong nhà, ăn uống trong tổ chức ma chay mất vệ sinh... đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, ở nhiều bản, làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS hiện vẫn còn duy trì dai dẳng nhiều phong tục, luật tục lạc hậu như cách phân xử đúng - sai bằng cách thi lặn ngoài suối, sông. Và trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục tập quán của đồng bào DTTS, kết quả phân xử thắng - bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố rủi - may.

Đó là chưa kể đến những phong tục, luật tục mà trong đó chứa đựng những yếu tố mâu thuẫn với luật pháp hiện hành như khi trong nhà có người chết chưa rõ lý do, dân làng phạt bò, lợn, dê, rượu đối với những người nghi là "ma lai" để cúng thần linh xua đuổi cái xấu làm hại buôn làng cùng các hủ tục trong nghi thức tang ma, cưới hỏi. Hay tục "bắt vợ" bất chấp các quy định của pháp luật về yếu tố độ tuổi, sự đồng thuận giữa nam và nữ trong hôn nhân…

Cần hạn chế tối đa những tiêu cực trong "góc khuất"

Trở lại với hai vụ "bắt vợ" vừa xảy ra ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) và thị trấn Sa Pa (Lào Cai), trao đổi với báo chí, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, phong tục "bắt vợ" của đồng bào DTTS xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là phải dựa trên sự đồng ý của cả chàng trai và cô gái.

Do đó, đây được coi là một phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện sự tự do tìm hiểu, lập gia đình của những đôi nam nữ có tình cảm yêu đương. Ngoài ra, về mặt bản chất, phong tục này cũng giúp rút ngắn những phiền phức, gánh nặng về mặt kinh tế trong cưới hỏi, giúp cho những cặp trai gái có tình cảm gắn bó nhanh chóng được kết tóc xe duyên cùng nhau. Chính vì vậy, sự biến tướng của các vụ việc "bắt vợ" nêu trên rất phản cảm, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Đồng quan điểm với Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nhiều chuyên gia về pháp luật, văn hóa còn cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm hiện tượng "bắt vợ" biến tướng, trái pháp luật cũng cần đưa ra giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, lưu giữ những phong tục, luật tục đã lạc hậu. Bởi bản thân phong tục, luật tục lạc hậu, dù không còn phù hợp với đời sống hiện hành nhưng vẫn là một trong những di sản văn hoá của dân tộc có giá trị nhiều mặt về lịch sử, xã hội, văn học nghệ thuật, tri thức. Nếu "quá tả" trong bài trừ, chúng có thể mất vĩnh viễn.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, đồng thời "thuần hóa" phong tục, luật tục theo hướng có lợi cho cộng đồng, xã hội nhằm phát huy nó trong đời sống. Việc sưu tầm, bảo tồn phong tục, luật tục cần phải tuân thủ các quy trình khoa học chặt chẽ, bảo đảm tính dân gian, tính mềm dẻo, tính văn hoá, tính địa phương và tính đa dạng. Cần kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến luật pháp với phong tục, luật tục, làm cho mọi người đều hiểu biết phong tục, luật tục và luật pháp, từ đó có sự kết hợp trong hoạt động thực tiễn.

ukg3_19b
 Hệ thống Tủ sách pháp luật đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng cao Quảng Ninh. Ảnh: Hạnh Ngân

Bên cạnh đó, với tinh thần "gạn đục khơi trong" lựa chọn những yếu tố tích cực của phong tục, luật tục, nên chăng cần đưa chúng vào sách giáo khoa vùng miền núi, vùng DTTS để giảng dạy trong các trường học. Đồng thời, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng có các ảnh hưởng đến luật tục gồm già làng, trưởng bản ở các buôn, làng, bản… về các kiến thức pháp luật, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban tư pháp, tổ hòa giải cơ sở.

Trong quá trình "gạn đục khơi trong", chúng ta cần đặc biệt lưu ý phong tục, luật tục có tác dụng cố kết cộng đồng và điều hòa mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, con người với tự nhiên, nên phải có cách làm khoa học. Bởi, nền văn hóa truyền thống của một dân tộc là một chỉnh thể thống nhất, một hệ thống bao gồm nhiều bộ phận, nhiều thành tố gắn bó với nhau một cách hữu cơ. Việc "văn minh hóa" phong tục, luật tục, nói cách khác là điều chỉnh hoặc loại bỏ một thành tố, một bộ phận nào trong hệ thống theo yêu cầu của thực tiễn cũng đòi hỏi hết sức thận trọng, bởi điều đó không tránh khỏi tác động đến toàn thể, đến các thành tố khác và khi đó, sẽ mang lại hậu quả tiêu cực không mong muốn.

Nguyễn Hạnh Ngân

Bình luận

ZALO