Biên phòng - Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao với hành động bắt cóc vợ ngang nhiên giữa ban ngày diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Lào Cai. Hình ảnh người phụ nữ gào khóc, vùng vẫy khỏi 5 người đàn ông tấn công giữa đám đông mà không ai bênh vực thực sự gây bất bình trong dư luận. Phụ trương An ninh biên giới 9 đã đăng bài “Giữ hay bỏ tục kéo vợ?”. Để tiếp tục giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, một trong những chuyên gia về giới hàng đầu ở Việt Nam, với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

PV: Thưa bà, gần đây mạng xã hội đã đăng nhiều thông tin về trường hợp bắt cóc các cô gái trẻ giữa ban ngày, trong đó có cả các bé gái 15-16 tuổi về làm vợ theo phong tục của người Mông. Bà có ý kiến gì về việc này?
GS, TS Lê Thị Quý: Đây có thể coi là một trong những hành vi theo phong tục “Kéo vợ” của đồng bào dân tộc Mông từ lâu đời. Tuy nhiên, bản chất của phong tục này hiện nay không mang tính tích cực khi mà luật pháp của Việt Nam đã quy định rất rõ ràng về quyền con người cũng như quyền hôn nhân của công dân Việt Nam. Chúng ta cần phân biệt giữa phong tục và hủ tục. Chúng ta tôn trọng những phong tục tốt đẹp của đồng bào, tuy nhiên, những phong tục nào vi phạm nhân quyền, cản trở sự tiến bộ thì cần phải lên án và xóa bỏ. Nhiều nam giới đã lợi dụng hủ tục này để bắt cóc những người phụ nữ không yêu họ, đem về cưỡng bức và hành hạ họ suốt đời trong gia đình, tiêu diệt cả cuộc sống thanh xuân, các mơ ước và cơ hội phát triển của người phụ nữ. Bên cạnh việc tăng cường truyền thông, chính quyền, các đoàn thể, cộng đồng cần phải có hành động ngăn chặn quyết liệt. Phải tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hôn nhân của phụ nữ dân tộc Mông như công dân khác của đất nước.
PV: Vậy tính nhân văn của phong tục “Kéo vợ” là gì, thưa bà?
GS, TS Lê Thị Quý: Trong xã hội thời phong kiến, không chỉ người dân tộc thiểu số mà đa số các cộng đồng khác, “lệ” thách cưới đã ngăn cách nhiều đôi trai gái nên vợ chồng. Phong tục “Kéo vợ” (hay còn gọi là bắt vợ) xa xưa của người dân tộc Mông có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, kế hoạch "kéo dâu" được bàn bạc bí mật, có sự hỗ trợ của anh em, bạn bè, cô bác...
Cô gái đi làm nương, chàng trai bất ngờ xuất hiện cùng bạn bè, kéo cô gái về làm vợ. Phía nhà trai sẽ bắt gà làm phép, rồi đưa cô gái vừa bị "bắt" vào nhà. Xong xuôi, gia đình cô gái biết chuyện thì sự đã rồi, cha mẹ chỉ còn biết “bấm bụng” chấp nhận. Bởi theo quan niệm của người Mông, khi nhà trai đã dùng gà làm phép thì cô gái đã trở thành người nhà họ đến khi chết.
Ở đây có mấy vấn đề mà chúng ta cần nói rõ hơn. Thứ nhất là quyền con người của phụ nữ; thứ hai là quyền được tự do yêu đương, kết hôn của những nữ công dân Việt Nam. Những quyền này đã được Hiến pháp và luật pháp Việt Nam bảo vệ: Luật Hình sự quy định mọi người đều có quyền bình đẳng và Nhà nước bảo hộ quyền bình đẳng đó. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rất rõ quyền tự do yêu đương và bố mẹ không có quyền ngăn cản yêu đương tiến bộ. Luật Bình đẳng giới bảo vệ quyền bình đẳng của nam và nữ trong gia đình và xã hội...
Từ trường hợp “kéo vợ” trên, chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng, đã, đang và sẽ còn có nhiều người phụ nữ Mông không được hưởng những quyền cơ bản đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vậy, những người phụ nữ Mông có được pháp luật bảo vệ không? Và phong tục “Kéo vợ” của người Mông có giúp phụ nữ sống hạnh phúc không? Có thực hiện bình đẳng giới không?
PV: Việc “vận dụng” phong tục “Kéo vợ” để có được người phụ nữ mà mình muốn của một số người đàn ông như trường hợp nêu trên có phù hợp trào lưu tiến bộ của xã hội văn minh không, thưa bà?
GS, TS Lê Thị Quý: Như trên đã nói, rõ ràng việc bắt cóc phụ nữ là đi ngược trào lưu văn minh tiến bộ, xâm phạm nghiêm trọng quyền con người của phụ nữ. Đồng bào Mông cũng giống như đồng bào các dân tộc khác, phải được tôn trọng vì họ là bộ phận của dân tộc Việt Nam. Không thể lợi dụng truyền thống để đi ngược lại quyền con người, hạnh phúc gia đình và sự phát triển của xã hội đương đại.
Chúng tôi nghĩ rằng, chính quyền cần can thiệp để những kẻ có mưu đồ xấu thấu hiểu và bỏ những hành vi như thế này. Những cơ quan, đơn vị hành pháp có thẩm quyền cần trừng trị nghiêm minh những người lợi dụng phong tục để cưỡng hôn, “cưỡng bức tình yêu” và hủy hoại cả cuộc đời của người phụ nữ, những người mẹ của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến cả một nền giáo dục tương lai. Đáng nói hơn nữa, có rất nhiều những nạn nhân là những em bé gái mới chỉ 14, 15 tuổi. Điều này vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Việt Nam ký và cam kết thực hiện. Cũng như vậy tảo hôn là tệ nạn cần phải loại trừ.
PV: Bà có ý kiến thế nào về nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khi cho rằng tỉnh chưa thể thực hiện được những biện pháp “rắn” để ngăn chặn những hành vi trên vì hiện, Việt Nam chưa có Luật Chống bắt cóc?
GS, TS Lê Thị Quý: Chúng ta hiện chưa có Luật Chống bắt cóc, nhưng năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã có những quy định phải xóa bỏ các hủ tục áp bức phụ nữ. Cho đến nay, luật pháp Việt Nam vẫn theo quan điểm giải phóng phụ nữ. Các luật kể trên của chúng ta đã có đủ căn cứ và chế tài để chính quyền địa phương dựa vào để bảo vệ các công dân, đặc biệt là những người yếu thế như phụ nữ và trẻ em.
Nhân đây, chúng tôi đề nghị sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ các cấp, các cơ quan, truyền thông hãy cùng vào cuộc để chống lại hủ tục này. Người phụ nữ của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Mông cần phải được tạo cơ hội để học tập, phấn đấu vươn lên vượt nghèo để bình đẳng với phụ nữ cả nước, chứ không phải là nạn nhân của nạn tảo hôn cùng đàn con nheo nhóc, không được ăn học và suốt đời phải lao động cực nhọc như một kiểu nô lệ gia đình. Mục tiêu của chúng ta là giải phóng phụ nữ theo hướng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng bộ phim “Lặng im giữa vực sâu” để nói lên những tủi cực, đau đớn của cô gái Mông không yêu nhưng bị bắt cóc làm vợ. Hãy suy ngẫm về ý nghĩa nhân văn của phim và hãy chấm dứt hủ tục đi ngược lại với trào lưu tiến bộ hiện nay của xã hội ta.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện hữu ích này!
Khánh Ngọc (Thực hiện)