Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 05:39 GMT+7

Phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con

Biên phòng - Lây truyền từ mẹ sang con là một trong 3 con đường lây nhiễm HIV. Thông tin đáng mừng là có thể giảm thiểu lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tới mức thấp nhất, nếu người mẹ được tư vấn sử dụng thuốc ARV đúng cách trong quá trình thai kỳ. Tuy nhiên, do thiếu thông tin mà nhiều phụ nữ nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không biết tới điều này dẫn tới mất cơ hội sinh ra những người con khỏe mạnh, không có HIV.

Cán bộ y tế khám và tư vấn cho 1 phụ nữ nhiễm HIV. Ảnh: H.H

Bố mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh

Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính lây truyền HIV. Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có trung bình 35 trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể chỉ còn dưới 5 trẻ sinh ra bị căn bệnh này từ mẹ.

Hiện, việc tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đã được mở rộng đến các trạm y tế xã. Các mẫu xét nghiệm của phụ nữ mang thai được lấy tại trạm y tế xã trong những lần khám thai hoặc được tư vấn xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm ngay tại xã trong vòng 30 phút nếu kết quả là âm tính. Những trường hợp dương tính sẽ được tư vấn và lấy máu gửi tuyến trên làm xét nghiệm.

Nhờ sự phát triển của công tác điều trị, mà tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV nếu người mẹ sớm được dùng thuốc kháng vi rút (ARV) và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 5 năm gần đây đều dưới 2%.

Nhiều thai phụ vẫn sợ bị kỳ thị

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV trong quá trình mang thai chưa cao (ở mức 52%), khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa đạt hiệu quả cao nhất. Theo số liệu báo cáo năm 2020, có gần 1,3 triệu phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 742 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (chiếm tỷ lệ 0,06%). Trong số đó, xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai là hơn 670.000 người (chiếm tỷ lệ 51,8%); xét nghiệm HIV trong lúc chuyển dạ, sinh con là 625.808 người (chiếm 48,2%).

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, nguyên nhân của việc xét nghiệm sàng lọc HIV ở giai đoạn mang thai chưa cao là do việc tư vấn của cán bộ y tế còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn cung ứng xét nghiệm HIV miễn phí không đáp ứng đủ nhu cầu, bảo hiểm y tế không chi trả xét nghiệm HIV sàng lọc. Việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là chìa khóa để biết được tình trạng nhiễm HIV của bà mẹ, từ đó, bà mẹ được điều trị ARV sớm và làm giảm lây nhiễm HIV ở trẻ em. Hơn nữa, một số trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có dịch vụ xét nghiệm HIV cũng làm cản trở việc tiếp cận xét nghiệm sớm của các phụ nữ mang thai.

Cùng với đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là các phụ nữ mang thai còn nhiều hạn chế trong việc cần đi khám thai sớm, khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ; nhiều bà mẹ nhiễm HIV còn sợ bị kỳ thị nên không đi làm xét nghiệm HIV. Năm 2020, có 1.960 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV. Trong số đó, có 346 người (chiếm 17,6%) được phát hiện HIV muộn, ở thời điểm đã chuyển dạ, sinh con. Vì vậy, việc điều trị ARV cho phụ nữ mang thai ở giai đoạn này làm giảm hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả, phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được duy trì điều trị ARV liên tục theo đúng chỉ định chuyên môn của bác sĩ, thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV trước ngày dự kiến sinh từ 4 - 6 tuần để đánh giá nguy cơ lây truyền HIV cho con. Điều trị dự phòng ARV cho con ngay sau sinh và thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm HIV cần được xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Nếu kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV cần được điều trị ARV ngay cho mẹ và điều trị suốt đời...

Tăng cường truyền thông để đạt mục tiêu

Hiện, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao mắc bệnh để xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Trong công tác tuyên truyền cần quan tâm tới nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Cùng với đó, cần tuyên truyền để xã hội giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay, cùng với việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phải bảo đảm dự phòng lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở cung cấp dịch vụ và ngoài cộng đồng. Chú trọng bảo đảm cung ứng dịch vụ liên tục về cung cấp xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị ARV cho mẹ và điều trị dự phòng lây truyền HIV cho con... không bị ngắt quãng trong bối cảnh Covid-19, đặc biệt là khi cơ sở y tế bị phong tỏa hoặc phụ nữ mang thai bị cách ly, giãn cách xã hội.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO