Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Phòng học “đặc biệt” tại bản Rào Tre

Biên phòng - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những ngày này, phòng học trực tuyến tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh luôn sáng đèn, nhờ sự góp sức không nhỏ của các cán bộ Tổ công tác Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh. Những việc làm thiết thực của các anh đã giúp các con nuôi của đơn vị và học sinh người dân tộc Chứt nắm và tiếp thu tốt các kiến thức mà thầy cô giáo truyền đạt.

Cô giáo Trần Thị Lê Na, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh và Trung tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ Tổ công tác Rào Tre, phụ trách lớp học trực tuyến hướng dẫn cho học sinh học trực tuyến trên máy tính. Ảnh: Minh Toàn

Để phòng, chống dịch Covid-19, trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã chuyển đổi phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến nên 14 em học sinh là người dân tộc Chứt của bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê tạm dừng việc đến trường và chuyển sang học tập qua mạng.

Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế gia đình của các em còn gặp nhiều khó khăn, nên việc mua sắm, lắp đặt, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật chất phục vụ cho việc học tập không thể thực hiện. Cùng với đó, do ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện để tiếp xúc với công nghệ thông tin, nên việc thao tác, sử dụng các phương tiện học tập qua phần mềm của trẻ em nơi đây có phần hạn chế.

Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Bản Giảng đã tổ chức xây dựng Phòng học trực tuyến rộng khoảng 20m2 ngay tại Tổ công tác bản Rào Tre, với đầy đủ các thiết bị như bàn ghế, máy tính, điện thoại, mạng internet, tạo điều tốt nhất cho các em học tập. Đồng thời, ngay từ đầu năm học mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường nơi các em đang học tập để cử các thầy cô giáo đến hướng dẫn, giúp đỡ các em thực hành các thao tác, sử dụng tốt các phần mềm học tập qua mạng đạt hiệu quả cao.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên, cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre, phụ trách lớp học trực tuyến chia sẻ: “Để duy trì phòng học và giúp các em học tập tốt nhất, tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các thầy cô giáo bộ môn, hằng ngày tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nghiên cứu nâng cao trình độ công nghệ thông tin, truy cập mạng, sử dụng thành thạo máy tính, các bước thao tác sử dụng phần mềm để có thể hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh và con nuôi đơn vị trong quá trình học tập”.

Cô giáo Trần Thị Lê Na, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh thông tin: “Hằng ngày, tôi vượt hàng chục cây số từ thị trấn Hương Khê vào Tổ công tác bản Rào Tre, cùng với cán bộ của Tổ công tác, hướng dẫn, giúp đỡ các em học sinh. Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về cơ sở vật chất của Đồn Biên phòng Bản Giàng đã giúp cô trò chúng tôi không bị bỡ ngỡ khi thay đổi phương thức học từ trực tiếp sang trực tuyến, các em học sinh cũng theo kịp chương trình giảng dạy mà nhà trường đề ra”.

Được biết, bản Rào Tre hiện có 44 hộ là người dân tộc Chứt sinh sống với 157 nhân khẩu, có 39 học sinh đang học ở các cấp học. Những năm qua, để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, “con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ Tư lệnh BĐBP, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng đã nhận 4 con nuôi là người dân tộc Chứt, bản Rào Tre, đồng thời, hỗ trợ cho 3 học sinh cũng là người dân tộc Chứt, số tiền 500.000 đồng/tháng/em. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Bản Giàng thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống của các em, tặng quà, mua sắm sách vở, quần áo, xe đạp cho các em trong các dịp lễ, Tết và khai giảng năm học mới.

Thượng tá Nguyễn Mậu Phúc, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Tĩnh khẳng định: “Cùng với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm, chăm lo, giúp đỡ bà con nghèo trên 2 tuyến biên giới của tỉnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hiện nay, BĐBP Hà Tĩnh nhận 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm con nuôi, hỗ trợ 44 em học sinh đến trường, mỗi em 500.000 đồng/tháng. Bằng tình yêu thương vô bờ và trách nhiệm lớn lao, cùng sự chung tay, góp sức của chính quyền các cấp, BĐBP Hà Tĩnh tin tưởng rằng, đời sống kinh tế của bà con nghèo nơi biên giới sẽ ngày thêm no ấm, các em học sinh sẽ chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong học tập, đạt được những thành tích cao trong thời gian tới”.

Minh Toàn - Thế Mạnh

Bình luận

ZALO