Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Phòng chống thiên tai: Giảm thiệt hại, phải lấy phòng ngừa là chính

Biên phòng - Trước tình hình thiên tai diễn biến khốc liệt, cường độ cao, với nhiều kỷ lục chưa từng có diễn ra trong những năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt “tinh thần lớn, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai” trong Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai diễn ra tại Hà Nội, ngày 29-3.

jqvw_12a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Ninh Bình cùng bà con trồng bổ sung rừng phòng hộ. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu. Ảnh: Quốc Việt

Thiên tai ngày càng tàn khốc

Ở nước ta, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm chết và mất tích hơn 400 người, thiệt hại vật chất từ 1 đến 1,5% GDP của cả nước và gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh. Thiệt hại trên biển do thiên tai gây ra đã giảm, nhưng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi lại đang có xu hướng gia tăng.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, thiên tai diễn ra bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng, tàn khốc hơn, với nhiều kỷ lục, 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông.

Bão trên cấp 11-12 nhiều hơn và trái quy luật kể cả về thời gian hình thành và khu vực đổ bộ. 23 đợt mưa xuất hiện trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40%. Trong đó, đợt mưa lớn diện rộng cuối mùa vào giữa tháng 10 tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình với tổng lượng từ 400-600mm, trong khi các hồ đã đầy nước, dẫn tới việc phải xả lũ khẩn cấp (lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 8 cửa đáy), xuất hiện đợt lũ vượt mức lịch sử từ 0,5 đến 1,0m tại một số sông trong khu vực làm ngập lụt trên diện rộng và xảy ra 244 sự cố/90km của hệ thống đê điều.

Bên cạnh mưa, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi, làm 71 người chết và mất tích, hơn 4.100 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Ngoài ra, còn nhiều thiên tai khác đã và đang có chiều hướng gia tăng như gió mạnh trên biển, rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, nắng nóng, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn... cũng gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân.

Tính riêng trong năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết, hơn 8.100 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).

jlbh_12b
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hải Phòng giúp dân neo tàu chắc chắn trước khi có bão đổ bộ. Ảnh: Sơn Hà

Phòng ngừa là chính

Thiên tai diễn ra không theo một quy luật nhất định nào, luôn tiềm ẩn nhiều tình huống khó lường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Chính vì vậy, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt “tinh thần lớn, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”.

Theo đó, phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro; quan tâm đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Muốn giảm thiểu thiệt hại của thiên tai thì phải lấy phòng ngừa là chính; đầu tư phòng ngừa, chứ không chỉ ứng phó, khắc phục. Đặc biệt, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

3 tháng đầu năm 2018, cả nước huy động 112.923 lượt người/4.108 phương tiện tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, Quân đội huy động 100.330 lượt cán bộ, chiến sĩ và 2.150 lượt phương tiện.

Nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và các ngành để giảm thiểu rủi ro do thiên tai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công-tư bằng các chính sách, cơ chế phù hợp. Kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu.

Một số giải pháp phòng chống thiên tai dành cho các vùng miền cũng được Thủ tướng gợi mở: Đối với khu vực miền núi phía Bắc cần quan tâm đến vấn đề lũ quét, sạt lở đất và an toàn các hồ chứa, đê, từ đó có các giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp và kịp thời. Khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ thì đặc biệt chú ý các hệ thống đê. Vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, có độ dốc lớn, nên vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản cần chú ý.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Trên biển và ven biển, không được chủ quan, quy trình tàu vào - ra phải kiểm soát chặt chẽ; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng Biên phòng và lực lượng phòng chống bão lụt ở địa phương để xử lí tốt các tình huống. Cần có phương án ứng phó trong tình huống xảy ra siêu bão. Đối với các đô thị lớn, phải kiểm tra khả năng tiêu thoát nước, hạn chế san lấp hồ để xây dựng, tích cực chăm sóc cây xanh trong thành phố và không để cây xanh đổ gây chết người như một số trường hợp đã xảy ra.

Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, năm 2017, các lực lượng đã huy động 469.624 lượt người/9.793 lượt phương tiện các loại, trực tiếp tham gia giúp chính quyền và nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất đá và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, Quân đội đã huy động 357.572 lượt người và 6.596 lượt phương tiện; tổ chức tìm kiếm cứu nạn 2.196 vụ/5.735 người/380 phương tiện; trong đó có 44 vụ/259 người/15 phương tiện có yếu tố nước ngoài. BĐBP tuyến biển, phối hợp với ngành Thủy sản và chính quyền địa phương kêu gọi, hướng dẫn cho 881.710  tàu, thuyền, 3.838.903 người di chuyển, tránh trú an toàn khi có bão và áp thấp nhiệt đới.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO