Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn

Biên phòng - Chiều 23-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Đại tướng Tô Lâm báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: Tiến Linh

Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước. Tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm. Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của cả nước.

Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thẩm tra về báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm trẻ em 637 vụ (tăng 9,26%); lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.362 vụ (tăng 4,19%), gây rối trật tự công cộng 469 vụ (tăng 18,73%). Số vụ giết người giảm 1.048 vụ (giảm 7,26%), nhưng lại xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ (tăng 20,18%) và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an. Vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp. Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc… vẫn diễn ra công khai.

Toàn cảnh phiên họp chiều 23-10. Ảnh: Tiến Linh

Về công tác điều tra xử lý tội phạm, bà Lê Thị Nga cho biết, năm 2021, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 87,05% (trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,6%). Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội mới đạt 88,81%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 90%). Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, còn 12 trường hợp bị Cơ quan điều tra khởi tố oan.

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Thẩm tra báo cáo về công tác PCTN của Chính phủ, bà Lê Thị Nga đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh về tình hình tham nhũng: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.

Theo bà Lê Thị Nga, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: Tiến Linh

Đối với kết quả PCTN, bà Lê Thị Nha cho hay, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời, chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý.

Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang… Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn. Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh…

“Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Nói về những hạn chế của công tác PCTN, bà Lê Thị Nga cho hay, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp.

Viết Hà

Bình luận

ZALO