Biên phòng - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, ngày 29-5, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải, với đa số đại biểu nhất trí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với sự cần thiết đổi tên Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi). Trong đó, quy định rõ việc xây dựng luật phải đảm bảo phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhân dân.
“Để bảo đảm việc sửa đổi Luật lần này nhằm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhân dân, UBTVQH chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 7 về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công phải bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng” - Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh,
Về băn khoăn của các đại biểu đối với các hành vi bị cấm, nhất là đối với việc cho, biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn (như ô tô) diễn ra thời gian qua, dẫn đến phải trả lại các tài sản này cho các tổ chức, cá nhân đã cho, biếu, tặng, UBTVQH cho rằng, pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật; đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo sự phù hợp và tính thống nhất, bổ sung thêm một điều quy định về áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các luật có liên quan và điều ước quốc tế, theo đó quy định rõ việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
Theo đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh), Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định về phạm vi tài sản công và phân loại tài sản công trong dự thảo để bảo đảm tránh xung đột pháp luật với các cơ quan, ban, ngành liên quan, nhất là luật doanh nghiệp. Điều 3, Khoản 1 định nghĩa tài sản công và Điều 4, Khoản 4 phân loại tài sản công có quy định về tài sản công phục vụ vào mục đích sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Quy định này có phần mâu thuẫn với Điều 36 của Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, tài sản góp vốn của Luật Doanh nghiệp kể cả tài sản có nguồn gốc đều phải chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Anh Tuấn đề nghị làm rõ tài sản công phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có bao gồm tài sản góp vốn của doanh nghiệp hay không và nếu có thì xử lý mâu thuẫn với Điều 36 của Luật Doanh nghiệp như thế nào. Mặt khác, rà soát lại quy định mang tính nguyên tắc về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết và bảo đảm yêu cầu không làm mất quyền sở hữu tài sản của Nhà nước. Đồng thời, cần cân nhắc quy định cho phép các cơ quan Nhà nước được sử dụng khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác theo Điều 35 của Dự thảo.
Viết Hà