Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 01:28 GMT+7

Phòng, chống tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai

Biên phòng - Bằng các giải pháp lồng ghép, đồng bộ từ phát huy đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, xây dựng mới và duy trì các mô hình phòng, chống tảo tôn hoạt động tuyên truyền hiệu quả, tỉnh Lào Cai đang từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn mang nặng nhiều hủ tục…

Lực lượng Công an lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống tảo hôn ở vùng cao Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Tại huyện vùng cao Bắc Hà - một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai (theo Chương trình 30a của Chính phủ), Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lùng Cải đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong cuộc sống gia đình, nhất là trong việc bảo vệ trẻ em nữ trước nạn tảo hôn. Thông qua việc tuyên truyền, vận động, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 10 gia đình từ bỏ việc cho con lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Từ đó, nhiều trẻ em gái có cơ hội phát triển, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tương tự, tại xã Tả Phời (thành phố Lào Cai), từ năm 2020, mô hình “Nói không với tảo hôn” được đưa vào triển khai tại địa phương nhằm can thiệp mạnh mẽ và giảm thiểu hơn nữa tỷ lệ tảo hôn của người dân nơi đây. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực của hệ thống y tế cũng như sự phối hợp, vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, công tác phòng, chống tảo hôn của xã đạt hiệu quả rõ rệt. Nếu như năm 2019, toàn xã có 12 cặp tảo hôn thì đến năm 2021 đã không ghi nhận trường hợp tảo hôn nào.

Còn thị xã Sa Pa lại chọn cách phát huy đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản… để tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sa Pa hiện có gần 100 người có uy tín cư trú tại 94 thôn thuộc 17 xã, phường của thị xã, đã và đang phát huy tốt việc vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa tập tục lạc hậu. Nhiều vụ việc phức tạp tại địa phương đã được giải quyết, trong đó có tảo hôn.

Tại huyện Bát Xát có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm rõ rệt. Nếu như năm 2021, toàn huyện còn 7 trường hợp tảo hôn, thì từ đầu năm 2022 đến nay chỉ còn 1 trường hợp. Hệ thống chính trị từ huyện xuống đến thôn, bản đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới toàn thểcán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát khẳng định: Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn các giải pháp phòng, chống tảo hôn. Tiếp tục phát huy vai trò trưởng thôn, bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2021; giảm 20% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con lần đầu trước 18 tuổi so với năm 2021. Để đạt mục tiêu trên, Lào Cai đã xây dựng 17 mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”. Rà soát, kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi kết hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các đối tượng học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, dân tộc nội trú; đồng thời, xử lý vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình để ngăn ngừa tình trạng tảo hôn.

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 23 câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn”, được triển khai ở những xã có tỉ lệ tảo hôn cao. Việc áp dụng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, giống như câu lạc bộ này mang lại kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện, thị xã, thành phố duy trì 58 mô hình với 3.527 thành viên tham gia. Nhờ đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 147 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó có 50 trường hợp là học sinh; kịp thời xử lý vi phạm hành chính 28 vụ tảo hôn.

Cán bộ địa phương tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Cùng với tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh đang tăng cường xây dựng các mô hình điểm, các câu lạc bộ như: “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình...”.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số,công tác phòng, chống tảo hôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực.

Mới đây, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những kết quả đã đạt được trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian qua là cơ sở để tỉnh Lào Cai phấn đấu năm 2022 sẽ không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 30% số người tảo hôn so với năm 2021…

Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và tạo sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội về nâng cao chất lượng dân số; chú trọng tuyên truyền, giáo dục tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Lê Thanh Cường

Bình luận

ZALO