Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

Phòng chống gian lận bảo hiểm hiệu quả

Biên phòng - Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc đa dạng các gói bảo hiểm y tế (BHYT); liên thông, kết nối dữ liệu giữa BHYT với bảo hiểm thương mại. Theo các chuyên gia, việc liên thông, kết nối các thông tin sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm và ngành BHXH có biện pháp phòng chống gian lận bảo hiểm hiệu quả. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát về bảo hiểm.

56189808-2004406189863450-3840367363023175680-n
Liên thông, kết nối BHYT và bảo hiểm thương mại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Ảnh: ITN

Chống gian lận

Ở nước ta hiện nay có 2 hình thức bảo hiểm là BHYT mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật, mọi người dân bắt buộc tham gia và bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, mang tính kinh doanh hoạt động có lợi nhuận. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,5% dân số, khoảng 174 triệu lượt người khám, chữa bệnh tại gần 13.000 cơ sở y tế với số chi khám, chữa bệnh khoảng 94.000 tỷ đồng.

Còn với bảo hiểm thương mại, năm 2018, có khoảng 33 triệu lượt người tham gia bảo hiểm sức khỏe như bảo hiểm học sinh, bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm bệnh ung thư, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Doanh thu phí bảo hiểm thương mại năm 2018 đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trong 5 năm trở lại đây khoảng 22%/năm.

Có thể thấy, hai hệ thống bảo hiểm chuyên biệt cùng đạt được những kết quả nhất định trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn thiếu sự chia sẻ dữ liệu quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm, dẫn đến chưa phát huy được đầy đủ thế mạnh tổng thể. Mặc dù số lượng người tham gia cả hai loại hình bảo hiểm trên đều khá lớn nhưng do mỗi hệ thống theo dõi, chăm sóc riêng biệt nên chưa có hệ thống dữ liệu nào thống kê được số lượng tham gia cả BHYT và bảo hiểm thương mại.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, điều này đòi hỏi cần có sự kết nối, chia sẻ thông tin để có thể đánh giá đầy đủ mức độ bao phủ về bảo hiểm đối với việc bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, việc liên thông, kết nối các thông tin, trong đó có thông tin về gian lận bảo hiểm sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm và ngành BHXH có biện pháp phòng chống gian lận bảo hiểm hiệu quả. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát về bảo hiểm, trong bối cảnh gian lận đang có diễn biến phức tạp, tinh vi ở cả hai khối bảo hiểm thương mại và BHYT.

Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm cũng cho rằng, việc liên kết giữa BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ giúp hai bên cùng chia sẻ thông tin, dữ liệu về số người tham gia cả 2 loại hình bảo hiểm này, về cơ cấu bệnh tật, tử vong, chi phí khám chữa bệnh, giới tính, khu vực địa lý, thông tin về quyền lợi BHYT. Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tiếp cận thông tin về hồ sơ sức khỏe của cá nhân theo quy định của pháp luật, từ đó có những căn cứ trong chi trả bồi hoàn cho người tham gia.

Cần hành lang pháp lý phù hợp

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, để có thể đạt hiệu quả cao nhất trước mắt phải xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ trước khi thực hiện liên kết để tránh việc doanh nghiệp bảo hiểm lợi dụng thông tin cá nhân của người tham gia BHYT trên hệ thống dữ liệu chung. Cách thức triển khai kết nối cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã triển khai. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc đa dạng các gói BHYT bổ sung. Theo đó, người dân sẽ được tiếp cận nhiều quyền lợi chăm sóc y tế ngoài quyền lợi BHYT cơ bản; được lựa chọn chăm sóc y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh kỹ thuật cao trong và ngoài nước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc liên kết giữa BHYT và bảo hiểm thương mại là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, từng bước xây dựng gói BHYT bổ sung, đây cũng là xu hướng và giải pháp y tế quan trọng, góp phần giảm chi phí y tế từ các hộ gia đình, giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế quỹ BHYT hiện nay chưa bao phủ toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế, người tham gia BHYT có nhu cầu được bổ sung thêm quyền lợi BHYT trên cơ sở áp dụng mức đóng BHYT khác nhau.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền, các gói BHYT bổ sung cần đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của cá nhân, hộ gia đình; tạo thuận lợi cho các đối tượng này, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội được tiếp cận các gói bảo hiểm sức khỏe. Đồng thời, theo các chuyên gia, để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cùng với việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, cần có một hành lang pháp lý phù hợp; huy động mọi nguồn tài chính, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ y tế.

Lê Hoa

Bình luận

ZALO