Biên phòng - Tính đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 70 triệu người mắc, hơn 1,5 triệu người tử vong. Một số nước ở châu Âu đã tái phong tỏa, thực hiện giãn cách nhưng tình hình lây nhiễm Covid-19 chưa có xu hướng giảm. Tại Việt Nam, sau 89 ngày yên bình lại xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Điều đó đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong công tác phòng chống dịch.

Những tín hiệu tích cực
Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã nêu các kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, đồng thời, đưa ra các khuyến cáo về công tác phòng chống dịch trong thời gian tới. Trong đó, đều khẳng định ưu tiên phòng chống dịch Covid-19 là quan trọng hàng đầu.
Tiến sĩ Đỗ Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Thời gian tới, công tác y tế dự phòng cần tập trung vào những nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm kiểm dịch y tế, bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Đồng thời, rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Ngoài ra, cần triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly; chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng. Nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh; tiếp tục tổ chức diễn tập, tập huấn. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia rất thành công trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 và nhận được sự ngưỡng mộ, đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế. Thành phố Đà Nẵng đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng vào tháng 7 và tháng 8-2020 và trở thành biểu tượng chiến thắng phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang hết sức phức tạp, bởi vậy, Việt Nam phải luôn cảnh giác với các yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng và sự bùng phát dịch trở lại, tuyệt đối không được phép chủ quan vì vẫn tiếp tục có thêm các ca nhiễm phát hiện sau nhập cảnh. Việt Nam đang cố gắng sống chung an toàn với dịch Covid-19, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bởi vậy, các cơ sở y tế cần thường trực phương án đề phòng trường hợp các ca bệnh mới xuất hiện. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu mà chúng ta không thể lường trước được.
Tổ chức Y tế thế giới cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đánh giá về xu hướng trong thời gian tới, ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra cảnh báo: Trong thời điểm cuối năm, nhu cầu về nước của người Việt Nam, nhu cầu của người nước ngoài đến trao đổi, làm việc tăng cao cùng với tình trạng nhập cảnh trái phép khiến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, đòi hỏi chúng ta luôn phải nỗ lực, không được lơ là, chủ quan. Để làm được điều ấy, các ngành, các cấp và nhân dân không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan, tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Và quyết liệt hơn nữa
Khi cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngày 30-11, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 4 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca lây trong khu cách ly (bệnh nhân 1.342) và 3 ca lây ngoài cộng đồng (bệnh nhân 1.347, bệnh nhân 1.348, bệnh nhân 1.349). Qua quá trình truy vết cho thấy, trước đó, ngày 15-11, bệnh nhân 1.342 nhập cảnh trên chuyến bay VN5301 từ Nhật Bản về Việt Nam.
Sau nhập cảnh, bệnh nhân và tổ bay được cách ly tại khu cách ly của hãng hàng không Vietnam Airlines. Thành viên tổ bay được lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 lần 1 ngày 15-11, lần 2 ngày 18-11 và có kết quả xét nghiệm âm tính. Sau khi có kết quả lần 2 âm tính, bệnh nhân được rời khỏi khu cách ly để tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian này, bệnh nhân đã không tuân thủ việc cách ly, vẫn đi học và tiếp xúc với nhiều người.
Trong thời gian cách ly tại khu cách ly do hãng hàng không Vietnam Airlines quản lý, từ ngày 14 đến ngày 18-11, bệnh nhân 1.342 tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (sau này đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân 1.325). Ngày 28-11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 (đủ 14 ngày để kết thúc cách ly) và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, hàng loạt các biện pháp được triển khai để ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh. Chiều ngày 1-12, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly và cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý biên giới, xuất nhập cảnh chặt chẽ, các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết).
Cũng ngay trong chiều 1-12, đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm y tế quận Tân Bình, UBND phường 2, quận Tân Bình và đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines về việc tạm đóng cửa khu cách ly tập trung của đoàn bay tại địa chỉ số 115 Hồng Hà và số 1 Hồng Hà theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.
61 người là phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ trong khu cách ly được đưa tới cách ly tập trung tại khách sạn Park Royal Saigon (phường 1, quận Tân Bình) và khách sạn Đệ Nhất (phường 4, quận Tân Bình).
Đặc biệt, ngày 3-12, Công an thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về việc khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”...
Nguyễn Hòa Bình