Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 07:25 GMT+7

Phối hợp nâng cao năng lực đấu tranh với tội phạm ma túy

Biên phòng - Với hơn 2.000km đường biên giới, trải dài qua 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào, tình hình tội phạm ma túy (TPMT) ở khu vực biên giới hai nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và nóng bỏng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP đã nỗ lực đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm kiềm chế, ngăn chặn “dòng chảy” ma túy từ Lào vào Việt Nam.

qniu_18
Các đối tượng Chim Mi Sú Lị Nhạ Vông Sả và Chên Thoong Sảng bị BĐBP Quảng Bình và Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP bắt giữ cùng 110.000 viên hồng phiến ngày 10-10-2019. Ảnh: Trúc Hà

Theo báo cáo của Cục PCMT&TP BĐBP, thời gian qua, một lượng rất lớn các chất ma túy như heroin, ma túy tổng hợp dạng đá và ma túy tổng hợp dạng viên (hồng phiến) có nguồn gốc từ khu vực “Tam giác vàng” được mua bán, vận chuyển qua Lào vào Việt Nam để tiêu thụ và vận chuyển đi nước thứ 3. Cùng với đó, xuất hiện ngày càng nhiều đường dây vận chuyển ma túy có quy mô, số lượng lớn, hoạt động xuyên quốc gia với sự cấu kết của các đối tượng thuộc nhiều quốc tịch như Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Nigieria.., có vụ lên tới hàng trăm kg. Năm 2019, BĐBP 10 tỉnh biên giới Việt Nam tiếp giáp với Lào thu giữ 1.202kg ma túy các loại, tăng 566kg so với năm 2018; riêng ma túy tổng hợp bị thu giữ là 721kg, chiếm 60,94% lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ trên toàn tuyến biên giới. 

Để qua mặt cơ quan chức năng, TPMT dùng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nổi lên là lợi dụng sự thông thoáng trong kiểm soát xuất, nhập khẩu để cất giấu ma túy trong hàng hóa, phương tiện, hàng ký gửi, thuê xe taxi công nghệ grab để vận chuyển ma túy; sử dụng mạng xã hội để thông tin, giao dịch. Đáng chú ý, chúng thường xuyên sử dụng vũ khí “nóng” sẵn sàng chống trả cơ quan chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Thời gian gần đây, địa bàn trọng điểm tại khu vực biên giới Sơn La, lực lượng BĐBP và Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng của Lào thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh quyết liệt nên hoạt động của các toán, nhóm vận chuyển ma túy đã giảm hẳn. Tuy nhiên, TPMT đã chuyển địa bàn, tăng cường hoạt động vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Qua công tác trao đổi thông tin, bám nắm địa bàn, các lực lượng chức năng đã phát hiện hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp của các tổ chức TPMT quốc tế liên quan đến địa bàn hai nước Việt - Lào. 

Trước diễn biến phức tạp của TPMT, BĐBP, Công an Việt Nam và An ninh Lào đẩy mạnh phối hợp đấu tranh ngăn chặn và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, BĐBP đã phối hợp với Công an và lực lượng chức năng Lào đấu tranh thành công 41 chuyên án, trong đó, phối hợp với An ninh Lào đấu tranh thành công 20 chuyên án, bắt giữ 55 đối tượng, thu 174 bánh heroin, hơn 2 triệu viên hồng phiến, 22kg ma túy tổng hợp dạng đá; phối hợp với Công an bắt 125 vụ/171 đối tượng, thu 101,54kg ma túy các loại. Điển hình là các đơn vị: Cục PCMT&TP BĐBP (phối hợp với An ninh Lào đấu tranh 6 chuyên án), BĐBP Quảng Trị (phối hợp với An ninh Lào đấu tranh 4 chuyên án, 2 vụ án), BĐBP Điện Biên (phối hợp với An ninh Lào đấu tranh 3 chuyên án), BĐBP Hà Tĩnh (phối hợp với Công an bắt 4 vụ/11 đối tượng, thu 156 bánh heroin, 608.200 viên hồng phiến, 9kg ma túy tổng hợp dạng đá)...

Tại Hội nghị giao ban giữa Cục PCMT&TP BĐBP, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an với Cục Cảnh sát phòng chống ma túy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào diễn ra tại thành phố Huế, ngày 27-11, Đại tá Khăm Pheng Xay Nhạ Lạt, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy, Bộ An ninh Lào cho biết: Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nằm ở trung tâm tiểu vùng sông Mê Kông, tiếp giáp với khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma túy lớn trên thế giới mà chưa thể giải quyết được. Việt Nam và Lào có đường biên giới tiếp giáp dài, vậy nên hai nước chịu ảnh hưởng rất lớn đối với vấn đề ma túy. Từ đặc điểm trên, TPMT lợi dụng đất nước Lào để làm nơi tàng trữ, trao đổi, trung chuyển, vận chuyển ma túy đi nước thứ 3, trong đó chủ yếu lợi dụng tuyến biên giới Việt Nam - Lào để hoạt động.

Bộ An ninh Lào đánh giá cao BĐBP cũng như Công an Việt Nam đã có nhiều giúp đỡ để nâng cao năng lực, nghiệp vụ đấu tranh với TPMT. Cụ thể: Năm 2019, lực lượng An ninh Lào được mời tham gia hội nghị 3 bên Việt Nam - Lào - Campuchia về việc kiểm soát ma túy cấp Bộ trưởng; tham gia hội nghị mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp TPMT tại Nghệ An; tham gia hội nghị rút kinh nghiệm đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp TPMT tại Thanh Hóa...

Đại tá Khăm Pheng Xay Nhạ Lạt mong rằng, trong thời gian tới, lực lượng phòng, chống ma túy của 3 bên tiếp tục trao đổi danh sách các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tăng cường công tác phối hợp sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xác định địa bàn trọng điểm, đường dây mua bán, địa điểm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển ma túy cũng như tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành, giúp đỡ về vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác đấu tranh với TPMT.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục PCMT&TP BĐBP dự báo, trong thời gian tới, quy mô hoạt động của TPMT ngày càng lớn, tính chất nguy hiểm hơn, đặc biệt, tình hình sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp mới. Điều đó đòi hỏi lực lượng phòng, chống TPMT cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó, việc phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào là vô cùng cần thiết để kiềm chế, ngăn chặn loại tội phạm này. 

Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian đánh giá về kết quả công tác phối hợp, những ưu điểm, tồn tại, khó khăn cũng như nguyên nhân trong triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp; trao đổi tình hình tội phạm sản xuất ma túy, đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên quan đến địa bàn hai nước; làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng... Các đại biểu của Cục PCMT&TP BĐBP, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an và Cục Cảnh sát phòng, chống ma túy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào cũng thống nhất các nội dung hợp tác năm 2020, trọng tâm là các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trong đấu tranh phòng, chống TPMT. 

Trúc Hà

Bình luận

ZALO