Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 08:41 GMT+7

Phối hợp hiệu quả công tác phòng chống mua bán người

Biên phòng - Nhằm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” mới đây, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Phòng Điều tra hình sự Quân khu 2 và BĐBP Sơn La tổ chức tọa đàm về công tác phòng chống mua bán người (PCMBN). Các ý kiến tham luận tại tọa đàm đều hết sức tâm huyết, đề ra các giải pháp hữu hiệu được đúc rút từ thực tiễn công tác tại cơ sở và kinh nghiệm trong lĩnh vực PCMBN, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, tạo thêm những cách nhìn, gợi ý về phương pháp, cách làm mới đối với công tác phòng chống mua bán người trong tình hình hiện nay. Báo Biên phòng xin trích đăng một số ý kiến tại tọa đàm.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an, đại diện BĐBP, đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng cam kết Chung tay phòng, chống mua bán người. Ảnh: Phạm Vân

Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP:

Thực hiện chương trình PCMBN của Chính phủ, Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, hằng năm, Bộ Tư lệnh BĐBP đều triển khai kế hoạch PCMBN nhằm cụ thể hóa các nội dung để chỉ đạo các đơn vị BĐBP tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PCMBN.

Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 65 vụ/33 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 105 nạn nhân bị mua bán; phát hiện, ngăn chặn, xử lý 7.590 vụ/32.034 lượt người xuất, nhập cảnh trái phép. Có thể nói, kết quả trên là rất đáng khích lệ, song, dự báo thời gian tới, tội phạm mua bán người, tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCMBN, BĐBP đã chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả PCMBN của Chính phủ, Bộ Quốc phòng.

Trong đó, chú trọng những mục tiêu, nội dung, biện pháp đã xác định trong kế hoạch của Bộ, tạo bước đột phá nhận thức về pháp luật và công tác nghiệp vụ cơ bản, nhằm nâng cao tỷ lệ đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia; phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PCMBN nhằm hạn chế thấp nhất nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động mua bán người và xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an các cấp trao đổi thông tin, tình hình về tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả đấu tranh, điều tra, khám phá tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong PCMBN; chú trọng hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm với các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam; xác minh, xác định, giải cứu, tiếp nhận/trao trả, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Trưởng bộ phận quan hệ Chính phủ của Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam:

IOM nhận thấy rằng BĐBP nói riêng và các lực lượng chức năng của Việt Nam nói chung đã có những kết quả và nỗ lực rất đáng ghi nhận trong PCMBN thời gian qua. Việc tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình PCMBN quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 và việc thảo luận để sửa Luật PCMBN gần đây là những minh chứng rõ ràng nhất ở cấp độ quốc gia.

Cụ thể hơn, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã hợp tác cùng IOM trong việc biên soạn “Bộ tài liệu tập huấn về PCMBN cho cán bộ tuyến đầu khu vực biên giới” và đang sử dụng tài liệu này cho các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ, chiến sĩ ở 12 tỉnh biên giới trong đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Các lực lượng chức năng, đặc biệt là công an và BĐBP đã không ngừng đấu tranh, và phát giác nhiều hình thức mua bán người, như: mua bán nội tạng, mua bán người dưới dạng cho nhận con nuôi, mua bán người cho hôn nhân cưỡng bức, mua bán người trong nước và mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động ra nước ngoài như thời gian gần đây. Chúng tôi cũng nhận thấy rõ những nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực trong điều tra, xét xử, thu thập dữ liệu mua bán người, bao gồm cả việc sử dụng và bảo quản chứng cứ điện tử trong PCMBN.

Tuy nhiên, mua bán người vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 và hậu Covid-19, khi tình hình kinh tế có những thay đổi như lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp tăng... làm tăng tính dễ bị tổn thương trong một số nhóm dân số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, công nghệ và không gian mạng cũng sẽ là nơi kẻ mua bán người lợi dụng để tiếp cận những đối tượng này. Do đó, các lực lượng chức năng cần tiếp tục nỗ lực để phát hiện, xử lý và đón đầu xu hướng mua bán người trong thời gian tới, đặc biệt với hình thức mua bán người sử dụng công nghệ cao và trên không gian mạng.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La:

Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các trường hợp được phối hợp giải cứu có chiều hướng gia tăng, với nhiều lứa tuổi từ 15-30 tuổi ở các xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới. Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ, cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài...

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều trường hợp nạn nhân đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi bị lừa bán sang nước ngoài để bóc lột sức lao động. 6 tháng đầu năm 2022, BĐBP Sơn La đã tiếp nhận 2 đơn trình báo của công dân, hiện, lực lượng chức năng đã giải cứu được 1 nạn nhân.

Hàng năm, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các lực lượng vũ trang trong tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế về PCMBN, mà Việt Nam đã kí kết hoặc là thành viên, nhất là Hiệp định PCMBN giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an, BĐBP nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, thường xuyên rà soát, đánh giá, qua đó, xác định được các tuyến, địa bàn trọng điểm để tập trung có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho những nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, phối hợp với gia đình tạo điều kiện động viên tinh thần để các nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Thường xuyên phối hợp và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các hiệp định, chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến PCMBN, tham gia hoạt động mít tinh, tuyên truyền nhân “Ngày toàn dân PCMBN 30/7”.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO