Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:45 GMT+7

Phối hợp giải quyết tình trạng người Mông di cư tự do

Biên phòng - Tình trạng cư tự do và kết hôn không giá thú trên vùng biên giới Nghệ An diễn ra trong nhiều năm nay khiến cho công tác quản lý địa bàn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, trong đó có BĐBP và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước bạn Lào cần nỗ lực hơn nữa để phối hợp giải quyết dứt điểm.

Kỳ 1: “Miền đất hứa” không phải thiên đường

Sau chuyến đi về “miền đất hứa” bên kia biên giới năm 2014, ông Và Và Xúa, bản Thẳm Hín, xã Nậm Càn, Kỳ Sơn, Nghệ An ngộ ra một điều:  “Ở bên ta thuận lợi hơn nhiều, làm nương, chăn nuôi đều được. Di cư thì chỉ mất tiền thôi”.

Đi trong ảo mộng

Ông Xúa sinh năm 1949, là người Mông nguyên gốc Nghệ An. Ông kể: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, anh em tôi đều rất trẻ. Chúng tôi tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Ngày đó, phỉ Vàng Pao hoạt động mạnh, gia đình tôi bị ly tán. Tôi cùng bố mẹ ở lại Việt Nam, một số anh em chạy trốn sang Lào. Tôi luôn muốn tìm lại anh em của mình”.

w24g_19a
Ông Và Và Xúa chia sẻ với cán bộ Đồn BP Nậm Càn, BĐBP Nghệ An về đoạn đời “sống thử” bên Lào của mình. Ảnh: Bích Nguyên

Bằng mọi cách, ông Xúa liên lạc được với họ hàng của mình đang sinh sống ở thị trấn Lạc Xao, huyện Cam Cớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào. “Tôi trao đổi với anh em bên kia, bàn bạc về làm ăn kinh tế. Anh em đều bảo ở bên đó làm ăn dễ. Tôi nghe thế, bảo vợ đi sang đó thăm anh em, tiện thể xem thế nào, nếu thuận lợi sẽ ở lại, còn không sẽ quay về Việt Nam”. Vậy là, giữa năm 2014, vợ chồng ông Xúa bán trâu, bò, dắt lưng 50 triệu đồng, từ bỏ cuộc sống sung túc ở quê nhà, khăn gói lên đường tìm sang nước bạn “sống thử”. Hai vợ chồng ông đàng hoàng xuất cảnh bằng hộ chiếu qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh).

Sang tới thị trấn Lạc Xao, vợ chồng ông Xúa tìm gặp lại những người anh em của mình không mấy khó khăn. Với sự tư vấn của họ hàng, vợ chồng ông mua gỗ làm nhà, bắt đầu cuộc sống mới ở một vùng đất heo hút cách xa thị trấn Lạc Xao. Họ hàng cho ông một mảnh rẫy nhỏ. Ông trồng sắn và gừng. Không may, năm đó, gừng bị mất giá, bán không được. Lúc này, ông Xúa mới thấy thấm những khó khăn khi ở đất khách quê người. “Nơi chúng tôi ở thực phẩm không có, cái gì cũng thiếu, không mua được cái gì ăn. Anh em họ hàng cũng nghèo không giúp đỡ được tôi nhiều. Số tiền tôi mang theo cạn dần” - Ông Xúa kể.

Chúng tôi hỏi: “Khi sang Lào, ông có trình báo chính quyền địa phương nước Lào không? Ông Xúa cười, đáp: “Chính quyền đến kiểm tra và bảo vợ chồng tôi đến ở 2-3 năm ổn định, họ mới làm hộ khẩu cho, còn nếu không ở được thì về đi”.

Ông Xúa cùng vợ chấp nhận ở lại, sống không có sự bảo hộ của chính quyền sở tại, không quyền công dân, không được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Gần một năm “nếm khổ” ở Lào, nhận thấy tương lai mịt mù, năm 2015, ông Xúa cùng vợ quyết định bỏ “miền đất hứa” về Việt Nam. Ông cười móm mém: “Bây giờ, tôi có 3 con trâu to, 4 con bò và 1 đàn gà mấy chục con. Tôi vẫn bảo các con tôi và bà con trong bản rằng, ở Việt Nam, cuộc sống sung túc hơn nhiều so với bên kia biên giới”.

4vk7_19b
Một bản làng bình yên của người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Bích Nguyên

Chưa thấy khổ chưa tin

Trong các cộng đồng người Mông ở Nghệ An, câu chuyện về cuộc sống vất vả bên kia biên giới của những người di cư trở về vẫn được truyền tai nhau. Vậy mà một số người vẫn tin rằng cuộc sống ở bên kia biên giới thuận lợi hơn. Họ sẵn sàng bán hết tài sản bỏ quê hương đi sang vùng đất xa lạ ở Lào để định cư với hy vọng sẽ giàu có hơn.

Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, tình trạng di cư trái phép trên địa bàn biên giới Nghệ An diễn ra nhiều năm và đến nay vẫn chưa chấm dứt. Số vụ di cư trái phép có giảm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không thể bớt lo.

Năm 2016, lực lượng BĐBP Nghệ An phát hiện 29 hộ với 146 khẩu người Mông ở huyện Kỳ Sơn và huyện Quế Phong di cư trái phép sang các tỉnh  Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng (Lào); 1 hộ với 4 khẩu di cư vào Đắk Nông và tiếp nhận phía nước Lào trao trả 1 hộ với 4 khẩu về địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Tính từ tháng 1 đến hết tháng 5-2017, trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát hiện 15 hộ với 71 khẩu di cư sang Lào, 1 hộ di cư nội vùng. Tất cả các hộ di cư sang Lào đều đi bằng hộ chiếu qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An).

Tình trạng di dịch cư trái phép đã và đang gây ra nhiều khó khăn và hệ lụy cho chính quyền địa phương và chính gia đình người di cư. Ông Lầu Bá Xềnh, Phó Chủ tịch xã Nậm Càn cho biết: “Từ năm 2015 đến 2016, số hộ dân của xã di cư không nhiều, tuy nhiên, trong năm 2017, tình trạng di cư tự do có chiều hướng tăng. Tính từ tháng 1 đến nay, trên địa bàn xã có 6 hộ di cư sang Lào. Không chỉ gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, gây khó khăn cho quản lý nhân khẩu, tình trạng di cư tự do còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách dân tộc và tiến độ thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

Thực tế, hầu hết các hộ di cư đều bán hết tài sản khi đi và khi họ trở về thường trắng tay, cuộc sống trở nên khó khăn hơn lúc trước khi đi dù được chính quyền địa phương giúp đỡ nhiều mặt.

Kỳ 2: Những nỗ lực từ hai phía

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO