Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Phối hợp đấu tranh với tội phạm tại các tỉnh vùng biên

Biên phòng - Hiện nay, tình hình tội phạm về buôn lậu, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh biên giới như: Kon Tum, Quảng Trị, Gia Lai... Đáng chú ý, loại tội phạm này thường hoạt động có tổ chức, tập trung nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự, với phương thức phạm tội tinh vi, xảo quyệt nhưng không kém sự manh động, liều lĩnh. Nhiều đối tượng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Các chiến sĩ công an hình sự xử lý mẫu vật. Ảnh: Hoàng Lan

Trong những năm qua, Phân viện Khoa học hình sự (KHHS) tại thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP tại các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đẩy mạnh công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm hình sự nguy hiểm này. Với các kết luận giám định được xem là nguồn chứng cứ quan trọng, Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng (C09C) đã giúp các đơn vị BĐBP kịp thời điều tra, khám phá thành công nhiều vụ án trên địa bàn góp phần đem lại trật tự, bình yên cho người dân tại các tỉnh vùng biên.

Phối hợp hiệu quả trong tình hình mới

Với vị trí địa lý thuận lợi, có đường biên giới trên đất liền kéo dài 4.639 km từ bắc xuống nam, cùng mạng lưới cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ), nhiều đường mòn, lối mở; khu kinh tế cửa khẩu và đặc biệt mạng lưới chợ biên giới, chợ cửa khẩu, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy giao thương hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế đem lại, tình trạng hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhất là vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, đấu tranh tại các tuyến biên giới. Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng (C09C) là đơn vị được giao phụ trách công tác kỹ thuật hình sự tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là lực lượng BĐBP trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm trên.

Từ năm 2017 - 2019, Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng đã tiến hành giám định 32 vụ việc các loại cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng, trong đó Cơ quan điều tra hình sự có 6 vụ; BĐBP có 26 vụ. Các lĩnh vực đã tiếp nhận và tiến hành giám định như: 1 vụ Dấu vết cơ học, 3 vụ súng, đạn, 3 vụ pháo, 2 vụ vật liệu nổ, 4 vụ hóa học (rượu, độc chất), 17 vụ ma túy, 1 vụ kỹ thuật số, điện tử...

Đội kỹ thuật hình sự đang xử lý mẫu vật ma túy. Ảnh: Hoàng Lan

Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều đối tượng nguy hiểm đã lợi dụng để buôn bán và vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm qua khu vực biên giới.

Điển hình như ngày 28-3-2020 vừa qua, Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 2 Quyết định trưng cầu giám định của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum yêu cầu giám định về mẫu vật liên quan đến ma túy, súng đạn. Qua nghiên cứu nội dung, tính chất vụ việc, lãnh đạo C09C đã chỉ đạo các đội chuyên môn khẩn trương làm rõ các nội dung đã được trưng cầu và sớm có kết luận trả lời. Sau 3 ngày làm việc tập trung, C09C đã gửi kết luận giám định đến Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y giúp đơn vị kịp thời xử lý vụ việc.

Trước đó ngày 3-1-2019, C09C đã tiếp nhận yêu cầu giám định nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại, chất lượng của 384 chai rượu mang nhãn hiệu "MACALLAN 12 YEARS OLD" theo yêu cầu của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị. Mặc dù số lượng mẫu vật nhiều nhưng chỉ sau 8 ngày, C09C đã trả lời kết luận giám định đối với toàn bộ số rượu trên. Kết quả trên là cơ sở quan trọng giúp Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo xử lý các đối tượng liên quan.

Các kết quả trên đã phần nào chứng minh sự hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng và lực lượng BĐBP tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng như ý nghĩa quan trọng của hoạt động giám định trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, ngày 26-3-2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ra Quy chế phối hợp số 992 để góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng và để tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Đây là văn bản quan trọng để hai lực lượng tăng cường tính chủ động trong phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tại các tỉnh vùng biên.

Tăng cường mối quan hệ hợp tác để đạt hiệu quả hơn

Mặc dù với những kết quả đã đạt được, mối quan hệ phối hợp của Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng và lực lượng BĐBP vẫn chưa thật sự tương xứng với tình hình diễn biến cũng như tính chất của các loại tội phạm trên tại các tỉnh biên giới miền Trung - Tây Nguyên. Các hình thức phối hợp chưa phong phú, chủ yếu theo vụ việc cụ thể, chưa cởi mở trong quá trình phối hợp áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, do đó chưa khai thác, tranh thủ được các thế mạnh của nhau.

Theo Tiến sĩ, Đại tá Trịnh Tuấn Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, kiêm Phân viện trưởng Viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng, trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu hơn, các hoạt động giao thương hàng hóa, hội nhập trong khu vực ngày càng phát triển kéo theo các vấn đề phức tạp về tình hình tội phạm tại vùng biên, Phân Viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng và BĐBP quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp, tập trung đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm trên tuyến biên giới đất liền theo tinh thần Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ quy định về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam.

Trong đó, tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa hai lực lượng để kịp thời điều tra, làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động tội phạm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí và công cụ hỗ trợ. Chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng các kế hoạch phối hợp, phương án cụ thể trong đấu tranh chuyên án… phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm từng địa phương, khu vực, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm phức tạp về buôn lậu, hàng giả.

Khâu xử lý mẫu vật rất nghiêm ngặt. Ảnh: Hoàng Lan
Phân viện KHHS tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Lan

Trên cơ sở đó, quản lý chặt số đối tượng kinh tế, phối hợp phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc phạm tội, đặc biệt là các vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả có số lượng hàng hóa lớn, có giá trị cao như vàng, ngoại tệ, xăng dầu, các loại quặng kim loại, than đá, mặt hàng sinh hoạt thiết yếu, hoạt động theo đường dây, tổ chức chặt chẽ… từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng trong công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định, phát triển đất nước, trong thời gian tới, hai lực lượng tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ chiến sỹ thông qua công tác tập huấn, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm… Trong đó chú trọng việc tiếp nhận, bàn giao hồ sơ, mẫu vật liên quan đến các vụ án vụ việc, cũng như việc thu giữ, bảo quản, niêm phong tài liệu, hàng hóa nhằm đảm bảo các yêu cầu trong công tác nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong tình hình mới.

Ngày 19-7-2011, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công An) đã khánh thành và ra mắt Phân viện Khoa học hình sự (KHHS tại thành phố Đà Nẵng. Đây là Phân viện đầu tiên tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Việc khánh thành Phân viện nhằm phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, giám định kỹ thuật hình sự và Pháp y để giải quyết các vụ án khó khăn, phức tạp, phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở 11 tỉnh, thành gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông.​​​​

Hoàng Lan

Bình luận

ZALO