Biên phòng - Hiện nay, hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế diễn biến rất phức tạp, trong đó, không ít người dân bị các đối tượng tội phạm lôi kéo tham gia tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy, giữ bình yên địa bàn.

So với thời gian trước, những năm gần đây, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, khu vực biên giới nói riêng có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là hành vi vận chuyển ma túy từ Lào qua biên giới vào nội địa và đi các địa phương khác tiêu thụ. Cùng với đó, tỉ lệ người nghiện ma túy, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, các hành vi sử dụng ma túy trong các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp... Điều đó đã tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trước thực trạng này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai các biện pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn, tội phạm ma túy. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trong đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới vào địa bàn.
Trong thời gian qua, BĐBP Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, phòng chống dịch Covid-19 và đấu tranh với các loại tội phạm. Chỉ đạo các đồn Biên phòng nắm chắc, giữ vững bình yên địa bàn phụ trách. Đặc biệt, BĐBP Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân sự và chính quyền địa phương để nắm chắc địa bàn, đối tượng liên quan, có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng vi phạm pháp luật.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã thường xuyên nắm, trao đổi thông tin liên quan đến tội phạm trên địa bàn, xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có tính chất phức tạp.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, BĐBP Thừa Thiên Huế và Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ/16 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy, thu giữ tang vật gồm: 7,717kg ma túy đá; 13,028kg heroin; 400 viên ma túy tổng hợp và nhiều tang vật liên quan. Điển hình, ngày 17-11-2021, lực lượng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị của Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ đối tượng Hồ Thị Bình, sinh năm 1993, trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, vận chuyển 400 viên ma túy tổng hợp đi tiêu thụ. Sau đó, vụ việc được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân khởi tố vụ án hình sự và hoàn chỉnh hồ sơ điều tra ban đầu, bàn giao cho Công an huyện A Lưới tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “So với trước đây, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng người dân đồng bào dân tộc thiểu số bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật cũng nhiều hơn. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chủ động và phối hợp với cơ quan chức năng để triển khai đấu tranh, ngăn chặn”.
Cùng với việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị đã tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Trọng điểm là tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại, hệ lụy do tệ nạn ma túy gây ra để phòng tránh, nắm rõ các quy định của pháp luật đối với người liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy...
Từ năm 2019 đến 2021, các đơn vị đã tuyên truyền các nội dung của pháp luật được trên 100 buổi/2.000 lượt quần chúng nhân dân ở các huyện, thị xã giáp biên tham gia. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của quần chúng nhân dân về tác hại của ma túy và những quy định của pháp luật về ma túy đã được nâng cao. Từ đó, người dân ngày càng có ý thức phòng ngừa, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, góp phần xây dựng địa bàn biên giới không có ma túy. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, từng bước củng cố vững chắc thế trận toàn dân tham gia phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới.
Ngọc Bình